100 container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa: Cần làm rõ vai trò bên môi giới

Thứ năm, ngày 10 tháng 3 năm 2022 | 8:53

Theo luật sư, cần xác minh làm rõ vai trò của công ty môi giới Kim Hạnh Việt trong vụ việc. Trường hợp doanh nghiệp này chưa làm tròn trách nhiệm, người bán có thể khởi kiện ra toà.

4 mấu chốt cần làm rõ

Ngày 9/3, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho biết đã làm việc với phía ngân hàng và các hãng vận chuyển để làm rõ thông tin một số doanh nghiệp điều xuất khẩu Việt có dấu hiệu bị đối tác tại Ý lừa đảo. 

100 container dieu xuat sang y co nguy co bi lua can lam ro vai tro ben moi gioi hinh 1

Ảnh minh hoạ

Các doanh nghiệp này trước đó đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Tổng 100 container trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Hiện, một số lô hàng đã đến cảng ở Ý, một số đang trên đường vận chuyển.

Song, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Ý theo hướng dẫn thì đều có sự thay đổi về số Swift (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào. Không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã liên hệ rất nhiều lần.

Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, có 4 vấn đề mấu chốt cần làm rõ để xác định trách nhiệm của các bên trong vụ việc này.

Thứ nhất là vai trò của công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Cần xác minh từ đâu họ có được thông tin của người mua để kết nối vấn đề mua bán. "Với vai trò môi giới, Kim Hạnh Việt đã kiểm tra, xác nhận tỉ mỉ thông tin pháp lý của người mua hay chưa. Ngoài vai trò môi giới, họ còn có vài trò gì khác hay không?", luật sư Phát đặt vấn đề.

Thứ hai, luật sư cho rằng cần làm rõ thông tin của bên bán. Cụ thể, kể từ lúc tiếp nhận thông tin từ môi giới, họ đã làm gì với thông tin này; có trực tiếp làm việc với người mua để xác lập hợp đồng không hay chỉ dựa trên thông tin của môi giới cung cấp mà đi đến ký kết hợp đồng?

"Thứ ba là vai trò của ngân hàng bên bán trong trường hợp này như thế nào. Tại sao có Swift, Swift này có do họ phát hành hay không?", luật sư nêu.

Thứ tư là vấn đề thực hiện hợp đồng. Để biết được quyền của bên bán và bên mua sẽ được điều chỉnh như thế nào, luật sư cho rằng cần phải dựa vào hợp đồng để xử lý, nếu đó là một hợp đồng có thật, được xác lập một cách hợp pháp. Từ đó, xác định yếu tố lỗi của các giao dịch này, làm cơ sở để xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có.

Bên bán có thể khởi kiện môi giới nếu chưa làm tròn trách nhiệm

"Riêng trong trường hợp xác minh người mua không có thật (tức về mặt pháp lý, không có doanh nghiệp hay cá nhân tồn tại hợp pháp, lúc đó sẽ quay về vai trò để xử lý đối với bên môi giới", luật sư nhấn mạnh.

Luật sư Phát đồng thời chỉ ra, theo Điều 151 Luật Thương Mại 2005, bên môi giới phải có “trách nhiệm về tư cách pháp lý”. Như vậy, nếu họ không đảm bảo nghĩa vụ này, tức họ chưa làm tròn trách nhiệm, được xem là có lỗi dẫn đến thiệt hại của bên bán.

"Lúc này, bên bán có thể tiến hành khởi kiện bên môi giới ra cơ quan tòa án về tranh chấp thương mại để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường đến đâu, tùy thuộc vào sự nhận định của cơ quan tòa án cho yếu tố 'lỗi' của bên môi giới", luật sư Phát cho biết.

Song, trường hợp bên môi giới đã làm tất cả nghĩa vụ của mình, nhưng các hợp đồng nêu trên vẫn không thể thực hiện được do bên mua cố tình lừa đảo, vượt ngoài kiểm soát của môi giới, thì phải dựa vào pháp luật của nước nơi mà bên mua có trụ sở/công dân để giải quyết theo quy định của luật sở tại nước đó.

Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luât sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP. HCM) nhận định, nguyên nhân chính của vụ việc là hiện nay "không biết bộ chứng từ gốc ở đâu".

"Đại sứ quán Việt Nam tại Ý và các doanh nghiệp, VINACAS cần phối hợp để xác minh làm rõ tại Ý về vấn đề này. Cần ngăn chặn khẩn cấp tạm thời không cho nhận các lô hàng đã tới Ý, trừ khi có sự đồng ý của bên bán tại Việt Nam. Nếu kết quả xác minh, điều tra đây là vụ lừa đảo mà bên môi giới có sự thông đồng, giúp sức thì họ phải chịu trách nhiệm cả về hình sự và dân sự", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Trước đó, ngày 8/3, VINACAS đã có công văn hoả tốc đến Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại Ý trước nguy cơ các doanh nghiệp điều bị lừa mất hàng trăm triệu USD.

Các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam bày tỏ sự lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có những giấy tờ này đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.

Theo Congluan.vn

https://congluan.vn/100-container-dieu-xuat-sang-y-co-nguy-co-bi-lua-can-lam-ro-vai-tro-ben-moi-gioi-post184677.html