12 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh

Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024 | 15:36

Bài viết sau có nội dung về 12 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

12 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh

12 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh (Hình từ Internet)

1. Người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là ai?

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là:

- Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:

+ Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại 2005;

+ Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

2. 12 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh

12 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bao gồm:

- Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh;

- Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng;

- Ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng thông qua việc thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự;

- Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

- Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

- Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

- Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;

- Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

- Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.

Xem thêm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.