20% sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương là do nhầm liều

Thứ bảy, ngày 17 tháng 9 năm 2022 | 8:3

Sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều, 20% tổng số sự cố về thuốc ở bệnh viện tuyến TW, 18,5% tại bệnh viện tỉnh/thành phố; Riêng bệnh viện tuyến quận huyện, sự cố gặp nhiều nhất với 23,7% là nhầm thuốc, thứ 2 là nhầm liều với 10%...

Thông tin trên được PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022 với chủ đề Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 16/9.

"An toàn người bệnh là quan tâm hàng đầu của ngành y tế. Mục tiêu của Ngày An toàn người bệnh thế giới (ngày 17/9) là nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: 38,5% sự cố về thuốc ở bệnh viện tuyến TW và tỉnh, thành phố - Ảnh 1.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc ở bệnh viện tuyến TW; 18,5% sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. (Ảnh: Trần Minh)

12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sự cố y khoa là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Ít nhất có 5 người bệnh tử vong mỗi phút do chăm sóc y tế không an toàn, trong đó có 50% là phòng tránh được.

"Mỗi người trên thế giới vào một thời điểm nào đó trong đời sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, thuốc đôi khi gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Các hành vi sử dụng thuốc không an toàn và sự cố về sử dụng thuốc là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn hại (có thể phòng tránh được) trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và các tổn hại có liên quan đến thuốc.

Liên quan đến sử dụng thuốc, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới cho biết 12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, tỷ lệ này tăng là 38% ở những người bệnh từ 75 tuổi trở lên; 6-7% người bệnh nội trú gặp sự có liên quan đến thuốc; 30% người bệnh gặp sự cố khi dùng từ 5 loại thuốc trở lên.

Tỷ lệ đơn thuốc có sai sót kê đơn: tại Anh là 5%, tại Arab Saudi là 20%; tại Mexico là 58%, trong đó kê đơn sai liều lượng chiếm 27,6%

Cần kê đúng thuốc, đúng người, đúng bệnh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin, tại Việt Nam, từ 2019 đến tháng 8/2022, có 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa, trong đó riêng bệnh viện tuyến TW là 60%, cao nhất các tuyến. Đáng chú ý khi có tới 1/3 số lượng sự cố được báo cáo là có thể ngăn chặn được, chưa xảy ra.

Sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc ở bệnh viện tuyến TW; 18,5% sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. Tại bệnh viện tuyến quận, huyện, sự cố gặp nhiều nhất, chiếm 23,7% do nhầm thuốc và thứ 2 là nhầm liều, chiếm 10%.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: 38,5% sự cố về thuốc ở bệnh viện tuyến TW và tỉnh, thành phố - Ảnh 3.

Triển khai sự cố y khoa tại Việt Nam từ năm 2019 đến tháng 8/2022. nguồn: Cục Quản lý Khám chữa bệnh

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần kê đúng thuốc, đúng người, đúng bệnh.

"Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả"- ông Khuê nói.

Với điều dưỡng khi thực hiện thuốc, cần đảm bảo 5 đúng, bao gồm: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian.

Về phía người bệnh trước khi sử dụng thuốc cũng cần biết thông tin về thuốc, kiểm tra liều và thời gian sử dụng, hỏi lại nhân viên y tế nếu chưa hiểu rõ.Escalante Soccoro

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: 38,5% sự cố về thuốc ở bệnh viện tuyến TW và tỉnh, thành phố - Ảnh 4.

Bà Escalante Soccoro - Quyền trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cùng các đại biểu hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh thế giới (Ảnh: Trần Minh)

Mục tiêu của Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2022 là:

1. NÂNG CAO nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, đồng thời ỦNG HỘ hành động khẩn cấp để cải thiện An toàn sử dụng thuốc.

2. TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc.

3. HƯỚNG DẪN người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn.

4. TÍCH CỰC TRIỂN KHAI Chiến dịch An Toàn Người Bệnh Toàn Cầu của WHO: Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.

Chiến dịch toàn cầu Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới năm nay ưu tiên hành động can thiệp sớm để ngăn ngừa các tổn hại cho người bệnh do các hành vi không an toàn liên quan đến thuốc. Những hành vi này bao gồm các tình huống nguy cơ trong chăm sóc, điều trị như dùng quá nhiều loại thuốc, dùng các loại thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau (LASA).

Chiến dịch sẽ tập trung đặc biệt vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với an toàn sử dụng thuốc, liên quan đến sự gián đoạn nghiêm trọng việc cung cấp các dịch vụ y tế trong đại dịch.

Sáng 16/9: Gần 200 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị, ca tử vong tăng cao, phải đẩy nhanh tiêm vaccineSáng 16/9: Gần 200 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị, ca tử vong tăng cao, phải đẩy nhanh tiêm vaccine

SKĐS - Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19, ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng, thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình gần 3.000 ca mắc mới mỗi ngày. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, tuy nhiên nhiều nơi vẫn tiêm thấp, chậm.

Thái Bình