3 yếu tố định hình xu hướng lạm phát trong năm 2023

Thứ ba, ngày 14 tháng 2 năm 2023 | 11:14

Hàng hóa, nhà ở và các dịch vụ khác có thể đẩy lạm phát đi theo những hướng khác nhau trong năm 2023.

Thời kỳ lạm phát cao ở mức đáng báo động đang tới hồi kết. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 6,5% trong tháng 12/2022, giảm từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6/2022. Trong bài phát biểu gần nhất, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - cho biết, hoàn toàn có lý do để tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm.

“Quá trình giảm của lạm phát đã bắt đầu”, ông Powell nói tại CLB Kinh tế Washington D.C.

Tuy nhiên, lạm phát hiện vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Kể cả khi có loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản vẫn ở mức 5,7% trong tháng 12 năm ngoái. Vậy, làm sao nó có thể giảm xuống 2%?

Các thị trường tỏ ra lạc quan rằng lạm phát sẽ tự giảm đi theo như lộ trình hiện tại của nó, và đặt cược rằng vì điều này mà Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Đây là điều mà ông Powell đã bác bỏ.

Theo một số chuyên gia, diễn biến lạm phát sẽ phụ thuộc vào 3 khu vực: hàng hóa, nhà ở và các dịch vụ khác, loại trừ thực phẩm và năng lượng. Họ phải đối mặt với những lực lượng phản ánh lại cơ chế mà lạm phát được đo lường, và cả bối cảnh kinh tế vĩ mô. Một cuộc suy thoái có thể kìm hãm đà tăng giá, trong khi tăng trưởng có thể đẩy lạm phát lên cao.

3 yếu tố định hình xu hướng lạm phát trong năm 2023 ảnh 1

Lạm phát vẫn ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu mà Fed đề ra (Ảnh: Getty)

Hàng hóa

Giá cả các loại hàng hóa sản xuất tăng cao – như xe hơi và đồ nội thất – là nguyên nhân ban đầu khiến cho lạm phát tăng đột biến trong năm 2021, khi mà chi tiêu tiêu dùng – được thúc đẩy do lãi suất thấp, các gói kích thích của chính phủ và sự thay đổi thói quen do đại dịch – tăng lên ngay giữa lúc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Giá các loại sản phẩm cốt lõi đã tăng 12,3% trong tháng 2/2022 so với cùng thời điểm năm trước đó, và tăng chỉ 2,1% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước. Những hàng hóa này đại diện cho khoảng 22% CPI và 23% chỉ số giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE), là một chỉ số mà Fed tin dùng.

Nhưng đà tăng đó đã chấm dứt. Các chuỗi cung ứng phần lớn đã được phục hồi. Nhu cầu tiêu dùng chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Giá các loại sản phẩm cốt lõi chỉ tăng 2,1% trong tháng 12, chỉ chiếm 0,5 điểm phần trong trong mức tăng 6,5% của CPI – giảm so với tháng 2/2022, thời điểm mà nó chiếm tới 2,5 điểm phần trong mức tăng 7,9%. Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 12/2022, giá các sản phẩm cốt lõi thực sự giảm với tốc độ 4,8% tính trong cả năm.

Chi tiêu cho hàng hóa thấp hơn, sự cải thiện trong các chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển giảm sẽ tiếp tục làm giảm sức ép giá trong những tháng tới, theo Blerina Uruci, trưởng kinh tế gia Mỹ đến từ hãng T. Rowe Price.

3 yếu tố định hình xu hướng lạm phát trong năm 2023 ảnh 2

Tỷ lệ của hàng hóa cốt lõi và các mặt hàng khác trong mức tăng CPI (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)

Alan Detmeister, kinh tế gia đến từ UBS, ước tính rằng giảm phát các sản phẩm cốt lõi sẽ làm giảm 0,4 điểm phần trăm của lạm phát tổng trong tháng 12.

Tuy nhiên, xu hướng giảm của giá hàng hóa có thể bị ảnh hưởng nếu như các kho hàng trở lại mức dự trữ bình thường và đà tăng trưởng toàn cầu phục hồi. Veronica Clark, kinh tế gia đến từ Citi, dự báo rằng giá hàng hóa sẽ tăng 1,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 12 năm nay.

Giá thuê nhà

Nhu cầu nhà ở, căn hộ tăng do lãi suất thấp và thói quen làm việc từ xa đã khiến cho dịch vụ nhà ở đóng góp đến hơn một nửa mức lạm phát cơ bản 5,7% trong tháng 12. Nhưng như ông Powell đã nhấn mạnh, giảm lạm phát trong lĩnh vực nhà ở đã bắt đầu.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhất trí với nhận định đó: Họ kỳ vọng danh mục này sẽ tiếp tục tăng qua mùa Xuân, rồi sau đó sẽ bắt đầu giảm. Jake Oubina, kinh tế gia kỳ cựu đến từ Piper Sandler, dự báo rằng lạm phát nhà ở sẽ giảm từ 8,1% trong tháng 3 xuống còn 5,3% trong tháng 12.

Sự đảo chiều này là do cách mà sự thay đổi do đại dịch tương tác với phương pháp đo lạm phát. Để đo lường số tiền mà người thuê và chủ sở hữu nhà chi trả cho nhà ở, CPI được thêm vào số liệu cho thuê mới, bởi vậy mà phản ánh có độ trễ.

Theo Oubina, nhà ở sẽ tiếp tục làm tăng lạm phát nhưng tỷ lệ đóng góp của nó vào mức tăng CPI trong 12 tháng sẽ đạt đỉnh trong tháng 6 và giảm 0,7 điểm phần trăm trong tháng 12, so với năm trước đó. Đó là đối với CPI, trong đó nhà ở chiếm đến gần 1/3 chỉ số này. Trong khi đó, nhà ở chỉ chiếm 15% trong chỉ số PCE, bởi vậy có ít ảnh hưởng hơn tới chỉ số này.

Lạm phát 'siêu lõi'

Nếu thực phẩm, năng lượng, hàng hóa và nhà ở bị loại trừ, còn lại sẽ là giá các dịch vụ cốt lõi trừ nhà ở - thứ mà một số nhà kinh tế học gọi là lạm phát “siêu lõi” (Supercore Inflation).

 
3 yếu tố định hình xu hướng lạm phát trong năm 2023 ảnh 3

Lạm phát "siêu cơ bản" (Ảnh: Bộ Thương mại Mỹ)

Lạm phát 'siêu lõi' vẫn ở mức khoảng 4%, ông Powell nói. Kể cả khi nó giảm, “chúng tôi vẫn nhận thấy còn rất nhiều công việc cần phải làm.”

Ông Powell cùng nhiều quan chức khác mới đây nhấn mạnh rằng lương góp một phần lớn số tiền đổ vào trong những dịch vụ này. Sự thiếu hụt nhân công khiến các nhà kinh tế học và hoạch định chính sách quan ngại, cho rằng đó là một nhân tố gây ra lạm phát.

Mức lương theo giờ của lao động khu vực tư nhân đã tăng với tốc độ 4,6% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 1 năm nay, trong khi mức tăng trong giai đoạn 2018-2019 là 3,3%.

Mặc dù đà tăng lương đã có một số tín hiệu giảm gần đây, nhưng nó vẫn ở mức đủ để khiến cho Fed gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu về lạm phát, theo bà Clark.

“Lạm phát giảm từ 7% hay 8% sang 4% hoặc 5% sẽ dễ dàng hơn so với từ khoảng đó xuống 2% hoặc 3%. Và điều đó càng khó hơn nếu nhìn vào những gì đang diễn ra trên thị trường lao động,” bà nói.

Các nhà kinh tế học dự báo rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu của Fed vào cuối năm 2023 và kỳ vọng rằng tiến trình này sẽ được hỗ trợ bởi một cuộc suy thoái, khi mà lãi suất cao hơn làm giảm chi tiêu, và lợi nhuận suy giảm khiến các công ty phải sa thải thêm lao động, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao (so với mức thấp kỷ lục 3,4% trong tháng 1).

Chính sách tiền tệ tác động tới nền kinh tế với một độ trễ nhất định, mức giảm lạm phát đến nay vẫn còn nhỏ là bởi các đợt nâng lãi suất của Fed diễn ra trong năm ngoái, theo ông Detmeister. “Tác động lớn hơn sẽ chưa thể xuất hiện cho đến cuối năm nay là sớm nhất,” ông nói.

Nhưng vào giữa năm, “chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến nền kinh tế trượt vào một cuộc suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,5% vào cuối năm, và 5,5% vào cuối năm sau,” ông Detmeister dự báo. Ông cũng tin rằng lạm phát sẽ giảm còn 2,3% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu về một cuộc suy thoái trong chi tiêu tiêu dùng. Thu nhập, trừ thanh toán không có trao đổi hàng hóa, hiện đang tăng nhanh hơn lạm phát, và sẽ tiếp tục làm tăng chi tiêu, khó có thể chứng kiến đà giảm, theo Neil Dutta, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Macro Research./.