35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu an toàn thông tin mạng
Trao đổi tại hội nghị ngày 9/6, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh: 35 nền tảng số quốc gia cần phải tuân thủ yêu cầu tối thiểu theo quy định về an toàn thông tin mạng và pháp luật về an ninh mạng.
Ngày 9/6, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị chủ đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng chuyển đổi số”, với sự tham dự của các cơ quan chủ trì, thúc đẩy 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia; các doanh nghiệp phát triển nền tảng chuyển đổi số và các đơn vị chuyên trách CNTT, an toàn thông tin của các bộ, ngành và địa phương.
Hội thảo “Bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng chuyển đổi số” diễn ra ngày 9/6 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, năm 2022, Bộ TT&TT xác định là năm tổng tiến công về chuyển đổi số sau một năm 2021 được xem là tổng diễn tập về chuyển đổi số, với trọng tâm là 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia phải được hoàn thành và đưa vào phục vụ hiệu quả người dân, chính quyền và nền kinh tế.
“35 nền tảng số quốc gia phải tuân thủ yêu cầu tối thiểu theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và pháp luật về an ninh mạng”, ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, qua hội nghị “Bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng chuyển đổi số”, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT mong muốn các đơn vị có cùng nhận thức về yêu cầu an toàn thông tin mạng tối thiểu theo quy định của pháp luật trong phát triển, lựa chọn nền tảng chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: Phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; tuân thủ quy định về bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng; tuân thủ quy định về lưu trữ tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng.
Hội nghị này cũng là cơ hội để đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp ICT cùng nhau trao đổi, thảo luận các kinh nghiệm, những cách làm hay, cũng như những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng số, cho việc lựa chọn áp dụng các nền tảng số an toàn tại bộ, ngành, địa phương mình.
“Các ý kiến tại hội nghị sẽ được tổng hợp để từ đó làm căn cứ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn thông tin, gắn với việc triển khai các nền tảng số phục vụ Chuyển đổi số được thuận lợi, hiệu quả”, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay.
Trước đó, tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu vào năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra các quan điểm chỉ đạo cụ thể, đó là: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung;
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế; Làm chủ, phát triển các công nghệ lõi, nền tảng mở phục vụ Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ Make in Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững (Ảnh minh họa: Internet)
Hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ thướng Chính phủ, ngày 11/2, Bộ TT&TT đã ra quyết định 186 phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trong chương trình này, Bộ TT&TT đã xác định rõ 3 mục tiêu, trong đó có việc hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam, với 35 nền tảng số quốc gia, đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Cùng với đó, tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, tạo lập được một số nền tảng số Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế.
Nguồn https://vietnamnet.vn/35-nen-tang-chuyen-doi-so-quoc-gia-phai-tuan-thu-cac-yeu-cau-an-toan-thong-tin-mang-2028595.html
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
- Người dân TPHCM đã có thể kết nối với chính quyền bằng App Công dân số
- 'Cái nắm tay' cần thiết dẫn bước doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng, livestream Facebook
- TSMC dừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Đẩy mạnh sáng tạo ứng dụng số, ứng dụng AI Make in Viet Nam