4 chính sách được đề nghị trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi
Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2009 là 58% dân số thì tới năm 2023 đã đạt 93,35% dân số, tương ứng với 93,307 triệu người tham gia BHYT.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Trang
Cùng với đó, số lượt người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Tính đến hết năm 2023 có 174,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, vừa để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật BHYT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 đã có một số quy định không còn phù hợp, do đó cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định mới của hệ thống pháp luật và thực tiễn. Do đó, thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Cũng tại hội nghị, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật BHYT sửa đổi.
Thứ nhất là điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai là điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.
Thứ ba là điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh BHYT.
Thứ tư là phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Theo đó, dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ BHYT. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Như vậy, theo bà Trần Thị Trang, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.
“Việc tập trung vào những chính sách này nhằm bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi của người dân trong chăm sóc sức khoẻ, yêu cầu chuyên môn cũng như khả năng chi trả của quỹ BHYT. Cùng với đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, việc tập trung vào các chính sách nêu trên trong quá trình xây dựng Luật BHYT sửa đổi nhằm kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- 0 aA Chỉ đạo, quyết định của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm