6 bước đo SpO2 chuẩn theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội

Thứ hai, ngày 21 tháng 2 năm 2022 | 8:51

“Để có kết quả SpO2 chính xác, người đo không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo”, Sở Y tế Hà Nội đưa ra khuyến cáo.

Chỉ số SpO2 còn được gọi là độ bão hòa oxy trong máu, biểu thị cho tỷ lệ hemoglobin có oxy trên tổng lượng hemoglobin trong máu. Một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy động mạch dao động trong khoảng 95 - 100%. Chỉ số bão hòa oxy trong máu dưới 90% là ở mức thấp.

Chỉ số SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh các dấu hiệu khác là nhiệt độ, mạch đập, nhịp thở và huyết áp. Khi cơ thể bị thiếu oxy máu, các cơ quan như tim, gan, não... sẽ nhanh chóng phải chịu những tác động tiêu cực. Vì vậy, F0 cách ly, điều trị tại nhà cần theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để kịp thời can thiệp nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên việc đo chỉ số SpO2 như thế nào để có kết quả chính xác là điều các người bệnh cần lưu ý.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã hướng dẫn cách sử dụng máy đo SpO2. Cụ thể:

Bước 1: Kiểm tra xem máy còn pin hay không, nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin (tùy loại máy).

Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe hẹp.

Bước 3: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiểu thị trên màn hình sau vài giây.

Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt.

Bước 5: SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 96-100%.

Bước 6: Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc bị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút. Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y cũng lưu ý việc chọn thiết bị đo SpO2. Thiết bị này có nhiều loại dành cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh. Đa phần các gia đình mua thường mua 1 loại và dùng chung cho cả nhà. Đây là nguyên nhân đo sai chỉ số SpO2 của trẻ. Bên cạnh đó, nhiều máy đo SpO2 trên thị trường không được kiểm chứng. Số liệu sai sẽ làm ảnh hưởng đến việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân. “Nếu chăm sóc, điều trị trẻ ở nhà, phụ huynh cố gắng chọn máy SpO2 tốt. Nếu là trẻ sơ sinh nên mua loại riêng dành cho trẻ sơ sinh để có kết quả chính xác”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y nói.

“Chúng ta đo nhiều lần, kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng và đo SpO2 để đánh giá tình trạng của người bệnh. Ví dụ đo trẻ em, cháu bé hồng hào, bình thường nhưng đo SpO2 chỉ 80%, 90% đừng vội lo lắng, hãy bình tĩnh đo lại”, ông Hiếu nói thêm.

Theo Ths.BS Nguyễn Đình Tỉnh, Giảng viên Đại học Y tế Công cộng, việc mua phải máy đo SpO2 chất lượng kém cực kì nguy hiểm trong vấn đề theo dõi sức khỏe người bệnh Covid-19 tại nhà khi kết quả đo không chính xác.

Ths.BS Nguyễn Đình Tỉnh cũng đưa ra lời khuyên khi mua máy đo SpO2:

- Chọn lựa sản phẩm của các hãng thiết bị y tế đã có thương hiệu.

- Nơi mua: các cửa hàng thiết bị y tế chuyên dụng hoặc các đại lý phân phối của các hãng.

- Sản phẩm phải có tem, phiếu bảo hành. Về giá bán, các máy đo SpO2 cầm tay chính hãng tốt thường không dưới 500 nghìn đồng/sản phẩm.

- Bạn nên tìm hiểu kĩ càng thương hiệu của máy, nhà phân phối trước khi mua, tránh mua phải hàng giả.

Theo Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/do-spo2-nhu-the-nao-de-co-ket-qua-chinh-xac-817110.html