68% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài từ 2-5 tháng

Thứ sáu, ngày 10 tháng 6 năm 2022 | 0:34

Kết quả khảo sát trên 17.000 người dân từng nhiễm Covid-19 cho thấy, có 68% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài từ 2-5 tháng. Trong đó, tỷ lệ nữ giới có xu hướng bị Covid-19 kéo dài cao hơn nam giới.

Đây là những kết quả được công bố từ "Báo cáo tóm tắt nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu Covid-19 đối với độ tuổi lao động trẻ tại Việt Nam" của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nghiên cứu trên 17.000 người dân tham gia chương trình khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. 

Nghiên cứu tập trung vào khối đối tượng lao động trẻ, độ tuổi từ 16-35 trong tháng 5/2022. Nghiên cứu nhận được 13.313 phản hồi, chiếm 77,89%. 

Nhóm nghiên cứu cũng chia số liệu trong nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền (Ung thư, tiểu đường, tim mạch, viêm phổi mạn tính) để đánh giá riêng, tiến hành phân tích hồi quy logistic mối liên quan giữa các đặc điểm với tình trạng bệnh nhân còn triệu chứng hậu Covid-19 sau 6 tháng.

ThS, DS Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu Covid-19 từ 2-5 tháng (khoảng 68%), tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhiều hơn 5 tháng.

Khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu Covid-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ,…) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).

Nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ và thời gian bị triệu chứng Covid-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm Covid-19 (chỉ 2% dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn 14 ngày) hay mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm Covid-19 (có triệu chứng nặng và nhập viện khi bị nhiễm Covid-19 dưới 10%). Một số nghiên cứu trước đó cho rằng có mối liên quan giữa thời gian bị nhiễm kéo dài và mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm Covid-19 với các triệu chứng hậu Covid-19.

Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị Covid-19 kéo dài (nữ là 64,63% và nam là 35,37%). Điều này cũng được nêu tại nhiều nghiên cứu trước đó.

Thông qua số đo chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số BMI để phân loại và ghi nhân 28,74% bệnh nhân thiếu cân và 8,71% bệnh nhân bị béo phì cho thấy dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng Covid-19.

70,80% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm Covid-19. 

"Nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng chăm sóc sức khỏe của người dân dịch chuyển dần theo hướng số hóa. Có đến 33% người bệnh có xu hướng chọn theo dõi thường xuyên và chăm sóc sức khỏe qua App điện thoại, gần bằng với tỷ lệ người dân lựa chọn biện pháp truyền thống là đến bệnh viện khám (36,3%).

Đây có thể là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành y tế khi người dân đã sẵn sàng với các dịch vụ y tế từ xa, giảm tải dần gánh nặng cho tuyến điều trị", ông Tú cho hay. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng Covid-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền).

Tuy nhiên, qua phân tích hồi quy, nghiên cứu cho thấy đối với bệnh nhân giới tính nam, có thời gian mắc Covid-19 trên 14 ngày, hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu Covid-19.

Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, những triệu chứng hậu Covid-19 hay Covid-19 kéo dài, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ là thách thức mới của ngành y tế, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu Covid-19.

Từ nghiên cứu này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho rằng, để có thể can thiệp một cách toàn diện vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, cần có sự tham gia liên ngành của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và chuyên môn y tế.

Đặc biệt, những vấn đề cấp thiết như tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trường học, nhà máy, xí nhiệp, còn mỏng, cần có các giải pháp hỗ trợ và mở rộng bao phủ can thiệp.

Hội đề xuất cần nghiên cứu mở rộng các mô hình dựa vào cộng đồng trong can thiệp hậu Covid-19, tạo phong trào nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và củng cố các mô hình y tế cơ sở đã có, hướng đến giảm thiểu tác động hậu Covid-19.

Đồng thời, cần hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp;

"Chúng ta cần có tham vấn chuyên môn và thống nhất nội dung tư vấn chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 trên tinh thần đại chúng, tập trung vào tư vấn dinh dưỡng, sinh hoạt và vận động thể chất, sử dụng telehealth (app, điện thoại) tránh để người dân lo lắng, khám bệnh tại cơ sở điều trị kể cả khi không cần thiết", ông Tú nói. 

Với người dân đã nhiễm Covid-19, Hội khuyến nghị cần tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý. 

Người dân cần tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19.

Đồng thời, người dân sau nhiễm Covid-19 cần tự theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài,…) nhưng cũng tránh hoang mang, tìm đến cơ sở y tế khi không cần thiết.

 

 

Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/68-benh-nhan-co-trieu-chung-hau-covid-19-keo-dai-tu-2-5-thang-700636/