Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức chiều 10/12, tại Hà Nội.
Rác thải nhựa từ lĩnh vực thương mại điện tử có thể lên tới 800 nghìn tấn
Trong gần ba thập kỷ qua, thương mại điện tử trên thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy thương mại điện tử càng phát triển thì tác động càng xấu tới môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ lượng lớn bao bì, rác thải nhựa.
Ở Việt Nam, tới năm 2015 thương mại điện tử đã trở nên phổ biến nhưng quy mô mới đạt khoảng 4 tỷ USD. Từ năm 2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta tăng nhanh.
Theo VECOM, quy mô của lĩnh vực này năm 2024 đạt khoảng 31 tỷ USD, trong đó bán lẻ hàng hóa trực tuyến trên 20 tỷ USD. VECOM dự đoán năm 2025, quy mô thương mại điện tử sẽ đạt gần 40 tỷ USD và tiến tới quy mô khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, từ năm 2019 thương mại điện tử Việt Nam đã bộc lộ những yếu tố không bền vững. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã lộ rõ các tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình là việc sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa.
Xuất phát từ thực tế đó, VECOM đã đề ra chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững với hai mục tiêu hàng đầu là duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và giảm tác động tiêu cực của lĩnh vực này tới môi trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ nhiều tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường, bao gồm sử dụng nhiều bao bì và dụng cụ nhựa khó phân hủy, tiêu thụ nhiều năng lượng, tiêu dùng quá mức dẫn tới lãng phí tài nguyên và nhiều rác thải, phát thải nhiều khí nhà kính. Đặc biệt, dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ phát sinh nhiều rác thải nhựa và khí nhà kính.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Lượng chất thải nhựa năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn, năm 2016 khoảng 2 triệu tấn. Theo “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022” của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), khối lượng chất thải nhựa vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhanh, từ mức 2,7 triệu tấn năm 2018 lên 2,93 triệu tấn năm 2021. Trong đó, túi ni-lông chiếm tỷ trọng từ 45-63%, tiếp đến là các loại nhựa dùng một lần dao động từ 12-26% trong chất thải nhựa ở các địa phương.
Ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký VECOM, phát biểu tại Hội thảo. |
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua gây thêm tác động tiêu cực tới môi trường. Thương mại điện tử sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa song tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng còn rất thấp.
Theo WWF Việt Nam, năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Tới năm 2030 khi quy mô thương mại điện tử nước ta đạt gần 100 tỷ USD, nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hoá thì khi đó lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Chia sẻ kết quả khảo sát của VECOM về hành vi bảo vệ môi trường của 4.000 người tiêu dùng trực tuyến, tập trung vào thế hệ Z và tổng hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như chính sách, pháp luật về thương mại và môi trường, ông Đoàn Quốc Tâm - Trưởng ban Hợp tác VECOM cho hay, trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường, 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống. Nhiều khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử hay website bán hàng vì phải trả thêm tiền.
Về các giải pháp để thương mại điện tử thân thiện với môi trường, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử, 71% đề xuất các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. Trong khi đó, 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.
Giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng Tư vấn VECOM đã đề xuất một số chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường.
Trước hết, nhà nước cần triển khai hoạt động thống kê định lượng về tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường.
Thứ hai, nhanh chóng lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chính sách và pháp luật về thương mại điện tử, logistics và bưu chính.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng Tư vấn VECOM. |
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế số, môi trường và truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường trong kinh doanh trực tuyến. Chú trọng việc tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn việc bảo vệ môi trường với hình ảnh, uy tín kinh doanh và thu hút người tiêu dùng thông minh. Doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro khách hàng quay lưng khi họ thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Thứ tư, các doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh trực tuyến cần tìm hiểu và triển khai Bộ tiêu chí Thương mại điện tử Xanh của WWF-Việt Nam và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thứ năm, đào tạo về thương mại điện tử xanh tại các trường đại học là một giải pháp cần thiết cho sự phát triển bền vững. Theo Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học năm 2023 của VECOM, đã có hàng chục trường đại học đào tạo cử nhân thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng và khoa học môi trường. Ngoài sự chủ động của các trường, giai đoạn 2026-2030, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động để hỗ trợ các trường này xây dựng chương trình đào tạo với học phần về thương mại điện tử xanh.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh hàng đầu khu vực ASEAN, nằm trong nhóm cao nhất thế giới, điều này cho thấy tiềm năng to lớn mà lĩnh vực này đem lại, góp phần tích cực vào thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đáng ghi nhận, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt về mặt môi trường. Tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử kéo theo sự gia tăng sử dụng bao bì nhựa, rác thải từ các đơn hàng và khí thải từ hoạt động vận chuyển hàng hóa.
"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục là một địa chỉ đáng tin cậy trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tiên phong trong nghiên cứu các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường. Chúng tôi không chỉ đào tạo sinh viên về chuyên môn mà còn khơi dậy ý chí, tinh thần trách nhiệm để các em trở thành những “công dân xanh” trong tương lai", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.