9 cổ phiếu tiềm năng SSI Research khuyến nghị đầu tư tháng 4
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 4 mới phát hành, SSI Research cho rằng khu vực 1.520 điểm của chỉ số VN-Index sẽ là mốc quan trọng cần quan sát trong tháng 4.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua tháng 3 và quý đầu tiên của năm 2022 đầy biến động, song các nhịp biến động ngắn hạn đều được nhanh chóng cân bằng giúp thị trường giữ vững mức điểm số so với thời điểm cuối năm 2021.
SSI cho rằng nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch trở lại do thị trường đã dần bước vào giai đoạn ổn định hơn, khi động thái tăng lãi suất lần đầu của FED và xung đột tại Ukraine đã phần nào phản ánh vào giá.
Mối quan tâm chính của thị trường trong tháng 4 sẽ là kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch định hướng năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cao vẫn sẽ duy trì ở các nhóm ngành nhỏ như: dịch vụ cảng biển; hóa chất; thép và các sản phẩm từ thép; dịch vụ tài chính; bán lẻ và các nhóm ngành liên quan hoạt động xuất khẩu.
Về mặt định giá, P/E ước tính năm 2022 của Việt Nam đang chỉ ở mức 14,1 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực. Dù vậy, SSI không loại trừ các biến động ngắn hạn trên thị trường do những tác động khó lường.
Từ góc nhìn kỹ thuật, khu vực 1.520 điểm của chỉ số VN-Index sẽ là mốc quan trọng cần quan sát trong tháng 4. Nếu chinh phục thành công mốc 1.520 điểm với thanh khoản tốt, khả năng cao VN-Index sẽ có động lực hướng lên thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Ngược lại, khả năng chỉ số sẽ quay lại trạng thái giằng co trong kênh giá 1.440 - 1.520 điểm.
9 cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 4
IDC - Tổng Công ty IDICO – CTCP
Năm 2022, kế hoạch lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 2.333 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Công ty có kế hoạch phát triển quỹ đất 2.000 - 3.000 ha tại các tỉnh thành như Tiền Giang, Hải Phòng, Hưng Yên,…
Ngoài ra, KCN Hựu Thạnh dự kiến đem lại nguồn thu chính cho IDC trong 3 - 5 năm với diện tích đất thương phẩm hơn 365 ha, giá thuê tăng trung bình 10%/năm nhờ vào hạ tầng được cải thiện như dự án cao tốc Bến Lức Long Thành, vành đai 3,.. Đặc biệt là kế hoạch niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE.
HAH - CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An
ĐHĐCĐ năm 2022 của HAH đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10% bằng tiền và 40% bằng cổ phiếu, dự kiến sẽ chốt danh sách vào ngày 15/4 tới đây. Trong năm 2022, HAH đầu tư 2 tàu đã qua sử dụng là tàu Marine Bia và Anbien Bay, bàn giao trong tháng 2 và tháng 4.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, HAH tiếp tục đặt đóng mới 3 tàu size 1800 TEU sẽ nhận bàn giao vào năm 2023 - 2024, và mua cũ 2 tàu size 1.800 – 4.500 TEU. Đáng chú ý, HAH đang dự kiến tiến ra thị trường quốc tế bằng cách thành lập liên doanh vận tải container ZIM – Hải An (đối tác ZIM là hãng tàu thứ 10 thế giới).
FPT – CTCP FPT
Trong 2 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế FPT tăng trưởng 30% so với cùng kỳ nhờ 2 mảng chính: công nghệ và viễn thông lần lượt tăng 56% và 21%. Hơn nữa, doanh thu doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số trong 2 tháng qua tăng 81% và tỷ trọng doanh thu từ chuyển đổi số trên doanh thu công nghệ thông tin nước ngoài tăng từ 27% lên 37%.
Nhóm phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm của FPT tăng 25% so với 2021 và dẫn dắt bởi mảng công nghệ tăng 30,2%. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng đặt ra mục tiêu tăng 30% mỗi năm cho mảng công nghệ thông tin trong nước 3 năm tới. Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 ước tính đạt mức 22%.
NT2 - CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2
Việc thiếu hụt than trong nước cộng với nền kinh tế mở cửa quay trở lại đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện, giúp ổn định nhu cầu huy động sản lượng từ điện khí. Trong quý I, sản lượng của NT2 ước tính tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ (khoảng 980 triệu kwh). Trong đó, sản lượng theo hợp đồng giảm nhẹ 4,7% dù giá khí ở mức cao, do đó có thể hấp thụ mức tăng giá khí.
Ngoài ra, với nhu cầu tiêu thụ điện hồi phục, giá trên thị trường cạnh tranh trung bình 2 tháng đầu năm 2022 đã tăng 39%. Điểm này có thể hỗ trợ tích cực lợi nhuận sau thuế quý I/2022 của NT2 (ước đạt khoảng 142 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ).
VPB - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng
SSI ước tính tăng trưởng tín dụng và huy động dự kiến quý I lần lượt tăng 7% và 12% so với mức bình quân ngành (khoảng 4% và 2%). Lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, tăng 175%, bao gồm toàn bộ khoản phí trả trước từ hợp đồng banca với AIA. Nếu loại trừ khoản phí trả trước từ hợp đồng banca, lợi nhuận trước thuế cốt lõi vẫn tăng khoảng 20 - 25%.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 của VPB cũng sẽ nằm trong nhóm cao nhất ngành với khoản thu phí này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tiếp tục là chất xúc tác đối với cổ phiếu VPB trong năm 2022.
MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích trong tháng 3, tăng trưởng tín dụng dự kiến tính đến cuối quý I/2022 đạt khoảng 10 - 11% từ đầu năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến có thể đạt ít nhất 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Năm 2022, kết quả kinh doanh được dự báo ở mức cao với lợi nhuận trước thuế đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Cơ sở khách hàng lớn, gần tiệm cận với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng sẽ tạo dư địa rất lớn cho MBB có thể đẩy mạnh các khoản thu ngoài lãi. Với kết quả này, ROE của MBB được dự báo ở mức 26%.
QNS - CTCP Đường Quảng Ngãi
Năm 2022, mảng sữa đậu nành được kỳ vọng tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó ban lãnh đạo ước tính doanh thu mảng sữa tăng 21% trong quý I/2022. Bên cạnh đó, mảng đường tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sản lượng tăng và giá bán duy trì ở mức cao năm 2022.
Cho cả năm, nhóm nghiên cứu ước tính QNS đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 20,5% và 16,6% năm 2022. Mức định giá P/E hiện tại chỉ 10,8 lần, thấp hơn nhiều các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cùng ngành.
MSH - CTCP May Sông Hồng
Nhà máy SH10 đã đi vào hoạt động, dự kiến tăng tổng công suất đơn hàng FOB lên 30%. Các đơn hàng dệt may cũng đang phục hồi, giá bán đã tăng từ 5 - 10% để bù đắp chi phí đầu tăng mạnh. Thị trường xuất khẩu chính của MSH là Mỹ - thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững nhất trong các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
SSI cho rằng MSH sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng 21% và 15% trong năm 2022. Hiện tại, MSH đang giao dịch ở mức P/E là 9,4 lần, thấp hơn trung bình ngành là 11 lần - mức định giá hấp dẫn đối với 1 doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thuộc nhóm đầu trong ngành.
MWG - CTCP Đầu tư Thế giới Di động
Năm 2022, SSI dự báo doanh thu chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh phục hồi khi kinh tế mở cửa trở lại và thu nhập người dân được cải thiện. Đối với Bách hóa xanh, MWG sẽ không mở cửa hàng mới, song doanh thu vẫn có khả năng tăng trưởng trở lại từ cuối quý II/2022.
Trong 2 tháng 2022, MWG ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 8% so với cùng kỳ. SSI ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận cho năm 2022 lần lượt là 141.593 tỷ đồng và 6.875 tỷ đồng, tăng 15% và 40%. Trong ngắn hạn, việc tăng vốn cho Bách hóa xanh (tăng thêm 20% vốn cổ phần) sẽ là động lực làm tăng giá cổ phiếu.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/9-co-phieu-tiem-nang-ssi-research-khuyen-nghi-dau-tu-thang-4-post294698.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu