Ai được xem bản kê khai tài sản của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long?

Thứ sáu, ngày 10 tháng 6 năm 2022 | 0:19

Sau khi biệt thự "khủng" của ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch TP Hà Nội xuất hiện trên báo chí, dư luận đặt nhiều dấu hỏi về bản kê khai tài sản của ông này và ai được quyền tiếp cận thông tin đó?

Sáng 9/6, trao đổi với Dân trí, một chuyên gia về lĩnh vực Luật Phòng chống tham nhũng đang công tác tại Thanh tra Chính phủ cho biết, quy định về kê khai tài sản và công khai bản kê khai tài sản đó của những người như ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế được quy định khá rõ và đầy đủ.

Cụ thể, Điều 39 Luật Phòng chống tham nhũng (có hiệu lực từ 1/7/2019) quy định:

- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

- Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

- Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

- Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ai được xem bản kê khai tài sản của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long? - 1

Căn biệt thự "khủng" của gia đình ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội ở khu đô thị cao cấp Vinhomes Gardenia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được giới buôn bán bất động sản định giá hiện tại khoảng 80-100 tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Trường).

Về việc công khai bản kê khai tại cơ quan, Nghị định số 130/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ: Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND các cấp được niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND.

Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.

Nghị định 130 cũng nhấn mạnh, cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình. Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có); có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Như vậy, theo vị chuyên gia của Thanh tra Chính phủ, bản kê khai tài sản của những người từng nắm giữ vị trí rất cao, quan trọng như ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long thì chỉ có một số người trong cơ quan, đơn vị công tác nắm được.

"Hiện nay chưa có quy định về việc công khai rộng rãi những bản kê khai tài sản này. Luật Phòng chống tham nhũng cũng chưa có quy định cho phép người dân tiếp cận các bản kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo"- vị này cho hay.

Ai được xem bản kê khai tài sản của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long? - 2

Căn biệt thự "khủng" của gia đình ông Chu Ngọc Anh đang xôn xao dư luận (Ảnh: Nguyễn Trường).

Người dân chưa có điều kiện tiếp cận bản kê khai tài sản của cán bộ

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 390/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập". Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ.

"Ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi công tác kiểm soát tài sản, thu nhập từ việc "kê khai, xác minh" sang "chủ động kiểm soát, phòng ngừa". Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập bảo đảm thực sự hiệu quả, đúng tiến độ, tiết kiệm"- quyết định của Thủ tướng nêu rõ.

Về lộ trình, giai đoạn 2022- 2023 sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng để cập nhật, tích hợp dữ liệu, kết nối, chia sẻ bảo đảm khai thác an toàn, thông suốt Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu về kê khai tài sản tại các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; tích hợp về Cơ sở dữ liệu quốc gia tại Thanh tra Chính phủ theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Trong đó, hoàn thành số hóa, lưu trữ 100% bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Phát triển, mở rộng việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; từng bước thay thế hồ sơ giấy truyền thống nhằm hỗ trợ người có nghĩa vụ kê khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập, đến năm 2025 đạt 50% trở lên.

Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Ai được xem bản kê khai tài sản của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long? - 3

Cơ quan chức năng khám nhà ông Nguyễn Thanh Long- nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế ở khu liền kề số 671 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: CTV).

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) cho rằng, kê khai tài sản hiện nay vẫn khép kín, trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

"Công khai trong trụ sở cơ quan thì người bên ngoài, người dân không ai biết cả"- ông Giao nói…

Theo ông, dù đang xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tài sản của cán bộ, công chức nhưng cũng sẽ chỉ có những cơ quan nhất định tiếp cận được thông tin.

"Hãy công khai tài sản của các vị ấy trên trang website để người dân biết; biến động tài sản như thế nào cũng phải công khai ra, có thể công khai từng bước, dần dần mở rộng tới người dân. Làm thế thì sẽ khiến quan chức sợ lắm và sẽ rất tốt trong công tác phòng chống tham nhũng"- ông Giao nêu quan điểm.

 

 

Nguồn https://dantri.com.vn/xa-hoi/ai-duoc-xem-ban-ke-khai-tai-san-cua-ong-chu-ngoc-anh-nguyen-thanh-long-20220609104924618.htm