Ai gác người canh gác?
Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới là việc rất quan trọng, cần thiết. Nhiệm vụ này được giao cho các đơn vị đăng kiểm và hiển nhiên ai cũng hiểu, họ đóng vai trò “người canh gác”, bảo đảm chất lượng kiểm định, cấp giấy chứng nhận đối với những phương tiện đủ điều kiện hoạt động.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, công an các tỉnh, thành phố đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hàng trăm “người canh gác” liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, như: Nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm; cho thuê phụ tùng bảo đảm tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe; giả mạo trong công tác; dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm...
Những ngày qua, lực lượng đăng kiểm viên phải làm việc với tần suất dày đặc. Ảnh:" qdnd.vn |
Vấn đề đặt ra là tại sao bây giờ các sai phạm trong ngành đăng kiểm mới được phát hiện đồng loạt và trên phạm vi rộng như thế? Chẳng lẽ từ trước đến nay, chưa có ai kiểm soát “người canh gác” này, để các trung tâm và cán bộ đăng kiểm "tự tung tự tác", dẫn đến sai phạm có hệ thống?
Pháp luật đã quy định rất rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm. Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, ngày 8-10-2018 của Chính phủ quy định cụ thể điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định đối với xe cơ giới. Điều 14 và Điều 15, Chương IV, Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021, của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nêu rõ: Cục Đăng kiểm Việt Nam phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm; xử lý sai phạm, đồng thời có văn bản thông báo cho sở giao thông vận tải địa phương. Ngoài thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn; xử lý sai phạm trong công tác đăng kiểm đối với lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ theo thẩm quyền thì sở giao thông vận tải các địa phương phải phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm định xe cơ giới.
Chính vì thế, đối với sai phạm của ngành đăng kiểm, ngoài việc xử lý đúng người, đúng tội những cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật thì cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và sở giao thông vận tải các địa phương.
Qua vụ việc này, cần bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm đối với từng cấp trong công tác đăng kiểm. Chúng ta không thể "đẻ" thêm một lực lượng chuyên kiểm tra, giám sát ngành đăng kiểm vì không cần thiết và không phù hợp thực tiễn. Nhưng Nhà nước cần siết chặt trách nhiệm quản lý, quy rõ trách nhiệm liên đới. Từ vụ việc của ngành đăng kiểm, các ngành, các lĩnh vực công tác khác cũng cần rà soát, xử lý ngay những thiếu sót, tồn tại để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”, xảy ra sai phạm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Với ngành đăng kiểm, ngoài việc chấn chỉnh đội hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm, việc thành lập các trung tâm đăng kiểm, nhất là các trung tâm đăng kiểm tư nhân, tổ chức phân cấp, phân quyền quản lý cũng cần được nghiên cứu thấu đáo. Trách nhiệm này không chỉ riêng của Bộ Giao thông vận tải mà cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo