Ai quản lý?
Đứa em họ ở Hà Nội nhắn cho tôi thông báo mẹ em ấy nhiễm COVID-19 và hỏi tôi cần cho bà uống thuốc gì? Tôi giật mình, tôi đâu phải là bác sĩ hay dược sĩ. Tôi cho em số điện thoại của một bác sĩ chuyên hướng dẫn điều trị F0 mà tôi quen biết, khuyên em nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng mạnh, mỗi ngày cả nước ghi nhận trên dưới 40.000 ca nhiễm mới. Đặc biệt tại Hà Nội, những ngày gần đây, con số thống kê FO đều trên dưới 5.000 ca mỗi ngày.
Điều đáng nói, các ca FO phần lớn không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly, điều trị tại nhà. Họ, gần như không được giám sát, hay chăm sóc về y tế. Nhiều người nhiễm bệnh cho biết, họ gọi cho y tế địa phương hoặc không có người nghe máy, hoặc được hướng dẫn tự theo dõi tại nhà. Có những người yêu cầu được hỗ trợ đợi mãi không có ai đến.
Có lẽ vì thế, người dân khi nhiễm COVID-19 thường ngại khai báo, phần lớn đều tự test, tự chữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu tự mua thuốc điều trị COVID-19 của người dân tăng cao. Thế mới có tình trạng loạn giá, loạn nơi bán que test và thuốc điều trị COVID-19.
Thực tế, không khó khăn gì để mua một hộp thuốc điều trị COVID-19 qua facebook hay zalo. Thuốc được các tài khoản chuyên bán quần áo online, bán hàng điện tử, môi giới bất động sản… rao bán công khai, tư vấn nhiệt tình qua mạng xã hội. Có những trường hợp bán hàng nhưng không đọc được tên thuốc chính xác, chỉ tư vấn thuốc xanh, thuốc đỏ của Nga, thuốc trong toa C của Việt Nam, thuốc của Mỹ… Tuy vậy, họ vẫn bán được hàng, vẫn có những người bỏ tiền triệu ra mua những hộp thuốc không rõ nguồn gốc được gắn mác “xách tay”.
Chị Thư, hàng xóm với tôi kể, một tài khoản facebook hướng dẫn chị mua thuốc của Nga, của Ấn Độ uống 3 ngày thì âm tính khi chị bị FO. Có bạn còn hướng dẫn người nhà chị uống xuyên tâm liên mỗi ngày để không lây bệnh từ chị.
Người mua dễ dãi, người bán bị lợi nhuận ám lương tâm, trong khi cơ quan quản lý buông lỏng, y tế địa phương hời hợt… Tất cả tạo ra những hệ luỵ sau mỗi trận bùng dịch COVID- 19.
Đây cũng chính là lý do mà hiện nay, tại TPHCM, chúng tôi vẫn duy trì những đội tình nguyện nhỏ, những tình nguyện viên đã kết nối, hỗ trợ FO từ ngày dịch COVID-19 “càn quét” đợt tháng 7, tháng 8/2021 đến nay. Trong nhóm luôn có các bác sĩ, dược sĩ tư vấn cho FO khi họ điều trị tại nhà. Các bác sĩ vẫn nhiệt tình trả lời từng người bệnh và cẩn thận hướng dẫn cho những FO có triệu chứng.
Một bác sĩ từng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Thủ Đức chia sẻ rằng, người bệnh không triệu chứng đáng lẽ chỉ cần ăn ngủ nghỉ, vận động trong nhà điều độ, phù hợp, bệnh tự khỏi. Sử dụng thuốc cần phải được hướng dẫn của bác sĩ, người có chuyên môn, đặc biệt là các loại thuốc có thành phần kháng viêm.
Thế nhưng, phần vì hoang mang, lo lắng, phần vì khó nhận được sự hỗ trợ từ y tế địa phương, nhiều người đã dễ dãi mua thuốc không rõ nguồn gốc về uống. Tiền mất mà có khi còn rước họa vào thân.
Theo Tienphong.vn
https://tienphong.vn/ai-quan-ly-post1418231.tpo
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá