Ẩn họa khôn lường từ các hội nhóm “đen” trên mạng xã hội

Thứ hai, ngày 25 tháng 7 năm 2022 | 8:24

- Trong thời gian qua, việc phát triển của các hội nhóm có tính chất tiêu cực trên mạng xã hội đang trong tình trạng báo động.

 Bởi không chỉ những hội nhóm dạng này đang ngày một gia tăng mạnh về lượng người dùng mà thông tin được các thành viên trong đó trao đổi có thể gây mất an toàn xã hội, thậm chí không thiếu các hành vi phạm pháp đã được nhen nhóm ý tưởng và thực hiện từ đây.

Các đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng ở Bắc Từ Liêm trong nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Ảnh: Văn Hiếu  

Các đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng ở Bắc Từ Liêm trong nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Ảnh: Văn Hiếu  

Tràn lan hội nhóm “đen”

Chỉ với vài thao tác đơn giản người dùng hoàn toàn có thể tìm thấy và gia nhập các hội nhóm như trên. Có thể kể đến như: Hội những người đi tù (hơn 275.000 thành viên); Hội Vỡ nợ muốn làm liều (hơn 12.000 thành viên); Hội túng quẫn làm liều (gần 8.000 thành viên); Đòi nợ thuê (hơn 10.000 thành viên), Vn Canada Canabis (hơn 30.000 thành viên)…

Tham gia vào các hội nhóm này, người dùng có thể nhận được tư vấn nhiệt tình của các thành viên về việc sử dụng các chất cấm như cần, cỏ thậm chí là ma túy, các chiêu trò trốn nợ, đòi nợ sao cho được kết quả nhanh nhất cũng như tung hô cuộc sống ở tù như một điều gì đó rất đáng tự hào. Thậm chí cũng có không ít chủ đề về việc rủ nhau thực hiện các hành động phạm pháp như bán chất ma túy, đi cướp… để giải quyết nợ nần của cuộc sống được một số người hưởng ứng nhiệt tình.

Không chỉ dừng lại ở các hội nhóm có tính chất phạm pháp như trên, hiện nay trên mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là Facebook, cũng xuất hiện nhiều hội nhóm có tính chất vặn vẹo về tâm lý, trái với luân thường đạo lý, thể hiện các sở thích quái đản và luôn bị lên án ở ngoài đời thực.

Những hội nhóm như trên rất dễ bắt gặp và có lượng người dùng tương tác lớn như: Hội quý bà quý cô rủ nhau vụng trộm (gần 100.000 thành viên), Hội ngoại tình và vụng trộm (hơn 103.000 thành viên)… Cho đến các hội nhóm mang đậm màu sắc tiêu cực như: Hội những người trầm cảm muốn tự tử (hơn 22.000 thành viên); Hội ghét cha mẹ (hơn 2.000 thành viên); Hội chán sống (hơn 7.000 thành viên) …

Tại các hội nhóm này, người tham gia sẽ được chia sẻ đủ các chiêu trò từ ngoại tình cho đến che giấu sao cho bạn đời của mình không phát hiện ra, giới thiệu các “mối” để có quan hệ ngoài luồng. Còn tại các hội nhóm có tính chất tiêu cực như tự tử, phần lớn những người lên đây đăng bài kể về các ý nghĩ tiêu cực, áp lực cuộc sống… thay vì được an ủi thì họ sẽ nhận được hàng loạt các bình luận ác ý, làm trầm trọng thêm suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nhiều lời khuyên được đưa ra là nên tự kết thúc cuộc đời mình.

Trên thực tế, không chỉ dừng lại ở không gian mạng, đã có những hành vi phạm tội ngoài đời thực đến từ những cuộc giao lưu, gặp gỡ ảo này. Chỉ riêng từ hội nhóm Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, cơ quan chức năng đã ghi nhận được 2 vụ cướp có tổ chức tính từ đầu năm 2022. Vụ đầu tiên là cướp nhà dân tại Linh Đàm (1/2022) và vụ cướp ngân hàng VietinBank (3/2022).

Đáng chú ý, trước tình trạng trên, tại Hội nghị sơ kết công tác Bộ Công an quý I/2022 vừa qua, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã đề nghị, lực lượng chức năng rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm trên mạng để đấu tranh, xử lý kịp thời. Đã xuất hiện thủ đoạn các đối tượng kết bạn qua các hội nhóm kín trên không gian mạng để rủ nhau cướp. Về phòng ngừa loại tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng tổ chức điều tra cơ bản theo chuyên đề.

Hành vi ảo, hệ quả thật

Trên thực tế, đa phần người dùng khi tham gia vào các hội nhóm “đen” nói trên đều không ý thức được việc mình thực hiện tương tác tại đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác cũng như cho chính bản thân. Mặc dù môi trường mạng là “ảo” nhưng nếu vì những lời bình luận, cổ vũ, a dua gây ra hệ quả thật thì kết cục nhận được đều có thể là các hình phạt về mặt pháp lý.

Nói về vấn đề này, Luật sư Đinh Văn Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với các hội nhóm như Hội vỡ nợ muốn làm liều; Hội những người trầm cảm muốn tự tử… chỉ cần nghe tên thôi cũng đã thấy chúng không hề phù hợp với phong tục tập quán cũng như pháp luật Việt Nam. Do đó những người lập, những người quản lý các hội nhóm này hoàn toàn có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu các chủ hội nhóm này lại có hành vi kích động, giúp sức về mặt ý chí, có thể như tư vấn cướp thì phải dùng súng hoặc mua súng ở đâu… đây có thể xem là hành vi đồng phạm.

Còn nếu trong trường hợp chủ hội nhóm biết có những người tham gia hội nhóm của mình lập ra đang bàn bạc để đi thực hiện hành vi phạm tội mà không phản đối hoặc báo cáo cơ quan chức năng thì cũng có khả năng bị xem xét về hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm.

Còn về phía người dùng tham gia các hội nhóm trên, mỗi cá nhân khi bình luận sẽ phải tự chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Các hành vi như chia sẻ thông tin đồi trụy, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đành bạc … sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng, Luật sư Đinh Văn Hoàng cho biết.

Về phía cơ quan chức năng, sau khi nhận được phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng bùng phát của các hội nhóm “đen” trên mạng xã hội, một lãnh đạo của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết sẽ kiểm tra và xác minh lại, nếu có vi phạm với pháp luật Việt Nam thì Cục sẽ phối hợp với Facebook để xử lý.