An toàn thực phẩm tại lễ hội: Đến hẹn... lại lo!

Thứ hai, ngày 19 tháng 2 năm 2024 | 7:41

Những ngày xuân, tại các đền, chùa, khu di tích... thu hút một lượng lớn người dân, du khách đến trẩy hội. “Ăn theo” các hoạt động này là những quán ăn thời vụ “mọc lên như nấm” với nhiều hạn chế về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm luôn trở thành nỗi lo thường trực.

mot-gian-hang-ban-do-an-tai.jpg

Một gian hàng bán đồ ăn tại Khu di tích đền Và (thị xã Sơn Tây), ngày 14-2. Ảnh: Lộc Xuân

Nguy cơ ngộ độc hiện hữu

Có mặt tại chùa Mía (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vào sáng 14-2 (tức mùng 5 Tết), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, lượng người đến đây rất đông. Ngay phía ngoài cổng và trong khuôn viên chùa, các quán hàng, gánh hàng rong bày bán các mặt hàng như: Bỏng, chè lam, xúc xích, thịt viên chiên, nước mía… không được che đậy hay bảo quản, tất cả đều được “phơi trần” để mời gọi du khách.

Mục sở thị một quán nước mía ngoài cổng chùa, mới thấy sự nhếch nhác. Những chiếc bàn, ghế bám đầy bụi, máy ép nước mía thì han gỉ, cáu bẩn do lâu ngày không được vệ sinh. Bã mía dưới mặt đường bu đầy ruồi nhặng. Gần đó là những túi đá viên được chất thành đống và một xô nước đục ngầu được chủ quán dùng để rửa hết lượt cốc này đến lượt cốc khác…

Chứng kiến khu vực “hậu trường” của quán nên dù rất khát, mệt nhưng sau khi gọi xong một cốc nước mía, bà Đặng Thị Mẫn (68 tuổi ở quận Long Biên) không dám uống.

Tương tự, tại Khu di tích Đền Và (thị xã Sơn Tây), các quán ăn, gánh hàng rong “mọc lên như nấm”. Tại các hàng quán này không khó để bắt gặp cảnh tượng, thực phẩm chín, sống để lẫn lộn, người phục vụ tay trần bốc bún, bốc bánh phở, cắt bánh đúc rồi quay sang lau dọn bát đũa, bàn ghế, đếm tiền trả lại cho khách. Chị Lê Thị Huyền (37 tuổi ở quận Hà Đông) cho biết, cả gia đình đi du xuân từ sớm nên khi đến Đền Và thì mệt và đói đành phải chấp nhận thực tế “khuất mắt trông coi”.

Tại Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, Mỹ Đức) ngay trong ngày đầu khai hội (mùng 6 Tết), đã đón hơn 21 nghìn lượt khách. Với lượng khách đông như vậy, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại đây luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho biết, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 318 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt. Dù các cơ sở kinh doanh ăn uống đã được sắp xếp quy củ hơn trước, thế nhưng, ông Trần Ngọc Tráng vẫn lo ngại, ý thức của người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận dễ vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8-2 đến 14-2), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi điều trị. Cùng với đó, tại tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu tại bữa tiệc gia đình xảy ra vào ngày 11-2 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.

Những con số trên cho thấy, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, ý thức của người bán cần được nâng cao để tránh cho du khách các nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, để loại bỏ hàm lượng độc tố, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bám trên rau cần phải rửa sạch nhiều lần dưới dòng nước chảy. Thế nhưng, tại các quán ăn tự phát, mang tính thời vụ, số lượng rau sử dụng lớn, nguồn nước lại hạn chế, nên hầu hết chỉ rửa qua loa, do đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, những đoàn thanh tra, kiểm tra tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội. Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp). Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.