Thời gian gần đây, chị P.T.H (quận Hà Đông, Hà Nội) thấy cậu con trai 16 tuổi có nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý. Qua tìm hiểu, chị H mới phát hiện con trai mình có tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội như “Hội ghét cha mẹ…”, “Hội đi bụi…”… Tò mò, chị H cũng vào mạng, tham gia các hội, nhóm nêu trên thì không khỏi giật mình với những thông tin được đăng tải trên đó. “Hội ghét cha mẹ…” quy tụ hàng nghìn thành viên tham gia với những bài đăng tiêu cực, trách cứ cha mẹ. “Nhiều đứa trẻ đăng thông tin tỏ ra chán đời, muốn bỏ nhà ra đi chỉ vì bị cha mẹ trách mắng chuyện học hành. Cũng có những người tỏ ra bất mãn, thậm chí muốn tự tử vì cho rằng cha mẹ vô cảm. Nguy hiểm hơn, sau mỗi bài đăng là rất nhiều bình luận của thành viên trong nhóm tỏ ra ủng hộ”, chị H cho biết.
Cách đây không lâu, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự thành phố và các đơn vị nghiệp vụ liên quan truy bắt hai đối tượng Trần Văn Hiếu (SN 1991, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hai đối tượng này sử dụng vũ khí giống súng, uy hiếp nhân viên tại một chi nhánh ngân hàng tại phường Xuân Tảo cướp đi 500 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định, đây là những đối tượng tham gia nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên facebook và cùng lên kế hoạch cướp tài sản để trả nợ và lấy tiền tiêu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, trên các mạng xã hội phổ biến như facebook, zalo, telegram…, tràn lan các nhóm, hội tiêu cực như “Hội những người muốn tự tử”, “Hội lô đề”,… Để trở thành thành viên, người dùng mạng xã hội chỉ cần bấm nút “tham gia” và có thể thoải mái trao đổi, chia sẻ trong nhóm. Khi thử tham gia một nhóm riêng tư có tên “Hội lô đề miền bắc” với hơn 5.000 thành viên, chúng tôi thấy có hàng loạt bài viết nhận ghi kết quả lô đề. Nhiều thành viên trong nhóm nhận làm “nhà cái” để ghi đề.
Các bài viết hướng dẫn cách chơi lô, đề dễ trúng, dự báo kết quả cũng được đăng tải thường xuyên. Tại một nhóm có tên “Hội bùng app (ứng dụng) vay tiền”, với hơn 33 nghìn thành viên, xuất hiện nhan nhản quảng cáo ứng dụng vay tiền được quảng cáo là “an toàn”, “giải ngân nhanh”, “không cần giấy tờ tùy thân”… Các thành viên trong nhóm cũng tích cực chia sẻ các “chiêu” để bùng tiền các app vay tiền hoặc công ty tài chính. Một bài viết chia sẻ cách vay tiền thoải mái mà không bị nợ xấu được đăng tải đã thu hút hàng trăm lượt bình luận, hầu hết chia sẻ “kinh nghiệm”. Có bình luận còn khẳng định “trộm cắp thì mới sợ, bùng tiền của app cùng lắm chỉ mất danh dự…”.
Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), thực tế, nhiều người tình cờ tham gia các nhóm “rác” trên mạng xã hội mà không ý thức được sự nguy hại. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần hết sức cẩn thận với các thông tin tiêu cực, tránh hùa theo cảm xúc, thái độ cũng như hành động tiêu cực từ các hội, nhóm này.
Nếu không may bị các đối tượng trên mạng mời vào những nhóm mà mình cảm thấy thông tin không hữu ích thì cần nhanh chóng rời khỏi nhóm; còn với việc lập ra nhóm chỉ với mục đích giải trí, kết nối những người cùng sở thích lành mạnh thì có thể được. Đáng chú ý, một số đối tượng lập hội, nhóm trên mạng chỉ để trao đổi các thông tin tiêu cực, khuyến khích, cổ súy các thành viên thực hiện hành vi phạm tội, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý theo pháp luật.
Luật sư Phạm Việt Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Thiên Hưng và Cộng Sự cho biết, pháp luật không cấm hành vi thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi thành lập phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Người nào cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc… có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng. Ngoài ra, nếu người sáng lập biết rõ về các hành vi phạm tội mà các thành viên trong nhóm đã và sẽ thực hiện mà không tố giác thì họ hoàn toàn có thể bị xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội không tố giác tội phạm.