Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai 3 dự án cao tốc quan trọng
Với tổng mức đầu tư 84,4 nghìn tỷ đồng và tổng chiều dài hơn 359km, ba dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt trong quá trình triển khai, thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ trong giai đoạn 2026-2027.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, sáng 16/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 1, gồm Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Quyết nghị đầu tư xây dựng bằng hình thức đầu tư công
Theo đó, sau khi nghe các Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả lần lượt như sau:
Với 467/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,78% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Nghị quyết nêu rõ, việc đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo Nghị quyết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sơ bộ tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, có chiều dài khoảng 117,5km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 938,54ha.
Về tiến độ thực hiện, Nghị quyết quy định quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)
Trong khi đó, với 475/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38% tổng số đại biểu, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép-Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 có sơ bộ tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng, đầu tư khoảng 53,7km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64ha.
Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
Cũng trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng nay, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 đã được biểu quyết thông qua, với 478/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,98% tổng số đại biểu.
Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 được xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc-Đông Nam, tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết nêu rõ, đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 dài khoảng 188,2km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205ha.
Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Áp dụng cơ chế đặc thù trong triển khai, thực hiện
Các Nghị quyết nhấn mạnh việc triển khai, thực hiện 3 dự án nêu trên đều được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, như: Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án; được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công…
Để bảo đảm tính khả thi, các Nghị quyết đề nghị Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết, đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: NGUYÊN LINH)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc đầu tư các dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các dự án được lập trên cơ sở xem xét sự phù hợp với các quy hoạch mạng lưới đường bộ, mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng thời 5 quy hoạch (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) là điều kiện thuận lợi để hoàn thành ý tưởng quy hoạch 1 hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cập nhật các dự án trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch.
Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/ap-dung-cac-co-che-chinh-sach-dac-biet-trien-khai-3-du-an-cao-toc-quan-trong-701499/
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- 0 aA Chỉ đạo, quyết định của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm