Bác bỏ những lời lẽ xuyên tạc về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo dõi Báo Hànộimới trên Bác bỏ những lời lẽ xuyên tạc về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tiến sĩ Lê Xuân Dũng • 18/09/2024 - 06:24 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là sự lựa chọn của nhân dân, của lịch sử, bởi đây là chủ thể luôn lấy lợi ích của Tổ quốc cũng như lợi ích chính đáng của nhân dân là mục tiêu tối thượng.
Vì vậy, khẳng định sự ra đời, tồn tại, phát triển và vị trí, vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cách mạng nước ta là tất yếu khách quan, không thế lực nào có thể xuyên tạc hoặc phủ nhận.
1. Với dã tâm chống phá cách mạng đến cùng, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách xuyên tạc, phủ định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chúng hồ đồ quy kết, rằng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “thay vì đại diện cho xã hội dân sự, thì họ lại phản bội nhân dân bằng cách chọn lọc ứng cử viên toàn là đảng viên hầu chế độ đảng cử dân bầu”; là “tác nhân của nguyên tắc phản dân chủ”; là “bình phong cây cảnh”. Chúng không ngừng bôi nhọ, xuyên tạc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng những lời lẽ như “hoạt động chỉ là hình thức, kém hiệu quả”. Hơn nữa, trong những ngày gần đây, khi các tỉnh miền Bắc đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, các thế lực thù địch mượn cớ để bôi nhọ rằng: “Thực tế là Mặt trận Tổ quốc luôn chậm chạp trong việc chuyển tiền đến tay người dân. Có vẻ như ngoài việc muốn gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi, Mặt trận Tổ quốc còn không có kế hoạch cụ thể để cứu trợ người dân”. Rồi chúng đặt câu hỏi kích động: “Động cơ cho việc sao kê của Mặt trận Tổ quốc là gì?”… Từ đó, chúng “kêu gào” đòi “xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Thực chất, đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cần phải đấu tranh bác bỏ.
2. Như chúng ta đã biết, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa được bao lâu, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp từ ngày 31-01-1977 đến ngày 04-02-1977 đã quyết định thống nhất ba tổ chức Mặt trận, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội thông qua Chương trình hoạt động và Điều lệ nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân cả nước, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử đã minh chứng, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ được khẳng định bởi sự ghi nhận của nhân dân, trong đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn được thể chế hóa trong Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, trong nhiều Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam (Văn kiện Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX) đều khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng. Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều văn bản pháp luật liên quan khác đã quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta.
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1]. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015) xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài”[2].
3. Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình đại hội đảng các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” đã có những nỗ lực to lớn và đạt được kết quả tích cực trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Để kết nối sự chung tay, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Gần đây nhất, cơn bão số 3 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề về người và của cho nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, với tinh thần hỗ trợ “cao nhất, nhanh nhất” cho các gia đình bị thiệt hại do bão, lụt, ngày 10-9-2024, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra “Lời kêu gọi” về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nhấn mạnh: “Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tha thiết kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam… hãy dành sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống của nhân dân. Với tinh thần “Nhường cơm sẻ áo”, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều... Mưa bão dù ác liệt đến đâu rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”[3].
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã quyên góp được hàng ngàn tỷ đồng ủng hộ kịp thời đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, qua đó trực tiếp góp phần làm vơi đi nỗi đau, sự khốn khó tột cùng của nhân dân bị nạn. Hơn lúc nào hết, trong những thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vị trí, vai trò của mình, giương cao ngọn cờ đoàn kết, quy tụ sức mạnh của toàn dân trong cứu giúp đồng bào bị thiệt hại của bão số 3 gây ra.
4. Cùng với những hoạt động trên, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị đã được khẳng định trong thực tế. Thông qua nhiều hình thức tổ chức và vận động quần chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần cùng với Đảng, Nhà nước giải quyết những khó khăn, bức xúc, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị.
Trong cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những năm qua, cùng với việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn trong đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Những thành tích đạt được trong hơn 90 năm qua khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 2 lần vinh dự được trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Do đó, những lời lẽ bóp méo chỉ là những hành động chống phá trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; là sự cố tình xuyên tạc bản chất nhằm phủ định vị trí, vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ!
Tiến sĩ Lê Xuân Dũng
(Trường Sĩ quan Lục quân 1)
-------------
[1] Khoản 1 Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
[2] Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam năm 2015.
[3] Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, ngày 10-9-2024, Hà Nội.
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam