Bài cuối: Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
Nhằm hạn chế, tiến tới giải quyết triệt để tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tạo lập “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Đây sẽ là điểm tựa tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn", huy động và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.
Cơ chế, thể chế thông thoáng cùng quyết tâm chính trị cao đã mang lại thành công trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong ảnh: Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: VGP
Cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách
Để phòng, chống lãng phí và song hành với chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật, theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Đó là, cần cải tiến quy trình xây dựng pháp luật. Trong đó, cần tăng cường công khai, minh bạch trong các giai đoạn soạn thảo, thẩm định và thông qua luật, đặc biệt đối với dự án luật liên quan đến quản lý tài chính công, đầu tư công và chi tiêu công. Đồng thời, cần tăng cường tham vấn các chuyên gia độc lập, tổ chức xã hội và đại diện cộng đồng trong quá trình lập pháp để bảo đảm tính công khai và minh bạch, tránh việc soạn thảo luật bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật phải báo cáo rõ ràng về những bước thực hiện, nguồn gốc đề xuất và tác động kinh tế - xã hội của dự luật; phải có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của những người đảm nhận việc soạn thảo, phê duyệt dự án luật nếu phát hiện lợi ích nhóm hoặc lãng phí trong quá trình xây dựng.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, các hành vi lợi dụng quyền lực, tham gia lợi ích nhóm trong lập pháp phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra và hệ thống tư pháp nhằm răn đe các hành vi lạm quyền. Ngoài ra, cần có cơ chế xử phạt rõ ràng và nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm quy trình xây dựng pháp luật, dẫn đến lãng phí tài chính công hoặc lợi ích nhóm.
“Những giải pháp nói trên cần được thực hiện đồng bộ, vừa cải thiện quy trình lập pháp, vừa bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó có thể ngăn chặn và xử lý hiệu quả các biểu hiện của tiêu cực, “lợi ích nhóm” và lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để nhận diện lợi ích nhóm trong chính sách, pháp luật thì đối với mỗi chính sách cần làm rõ: Chính sách đó làm lợi cho ai? Có tiêu cực trong xây dựng, thông qua chính sách không? Cụ thể, cần trả lời các câu hỏi: Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không, có biểu hiện “mờ ám”, tiêu cực không? Chính sách đó có vì lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia, dân tộc không hay lợi ích của một nhóm người? Nếu chỉ làm lợi cho một số người thì lợi ích đó có chính đáng không?
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế - là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, trong đó chú trọng thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27-6-2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, đại biểu Đoàn Hà Nội đề nghị, cần nhanh chóng tổ chức tổng kết việc thi hành và sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nguyên nhân (nếu có); nghiên cứu, đổi mới hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; thể chế hóa quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Kỳ vọng vào lập pháp liêm chính, minh bạch
Việc lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi, còn gọi là tình trạng tham nhũng chính sách, đang được nhiều cử tri quan tâm. Để phòng, chống, ngăn chặn tình trạng này thì sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm tạo lập sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc cần thiết, nhận được sự kỳ vọng vào nền lập pháp minh bạch.
Về Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27-6-2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định, quy định của Bộ Chính trị là một công cụ hữu hiệu trong việc đánh giá “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng pháp luật. Qua đó, cũng là một “hàng rào” để ngăn cản hoạt động “lợi ích nhóm” trục lợi trong xây dựng pháp luật.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, quy định này sẽ tạo cơ sở để ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, qua đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền liêm chính, của dân, do dân, vì dân.
Khẳng định, thời gian qua, Quốc hội đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế liên quan đến văn hóa, xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan soạn thảo luật, lập pháp phải xem xét kỹ lưỡng; khi thảo luận thì cần tập trung vào tính khả thi, lâu dài của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhưng đồng thời cũng có sự tiếp thu những tinh hoa của thế giới để bảo đảm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam không trở thành “điểm nghẽn” mà là “điểm tựa” để thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, quản trị quốc gia một cách hiệu quả hơn.
Lấy ví dụ về những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng vừa qua như khánh thành dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); đưa vào khai thác hơn 2.000km đường bộ cao tốc..., đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là kết quả của cơ chế, thể chế thông thoáng cùng quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và trình độ khoa học, kỹ thuật trong nước, giúp chúng ta tự tin, tự chủ, tự lực thực hiện được.
Trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các đại biểu Quốc hội cần phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật. Công tác soạn thảo luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, bảo đảm đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc. Bên cạnh đó, chú ý cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong các luật, nghị quyết, bảo đảm khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất.
Các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta đã tương đối đầy đủ, từ trung ương đến địa phương; việc kiểm soát quyền lực trên thực tế cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, với yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật cần tiếp tục được chú trọng hơn nữa, bảo đảm chống tận gốc tiêu cực, “lợi ích nhóm”, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội