Đồng chí Phạm Xuân Hiến – Viện trưởng Viện KSND quận Bình Thạnh trình bày báo cáo hoạt động năm 6 tháng đầu năm 2022.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế đã tổ chức 66 cuộc giám sát và 49 khảo sát. Trong đó, có 52 cuộc giám sát và 12 cuộc khảo sát đối với các cơ quan tư pháp của Thành phố và quận về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tại các đơn vị (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự thuộc các quận và Thành phố, cũng như tại Trại tạm giam Chí Hòa (T30), Trại tạm giam Bố Lá.
Công tác giám sát được tổ chức thông qua hình thức thành lập Đoàn giám sát thường niên cũng như các chuyên đề đã được Ban Pháp chế tổ chức một cách bài bản; lựa chọn được vấn đề cần giám sát; cơ cấu thành viên đoàn đảm bảo đúng chuyên môn nghiệp vụ và có đủ khả năng thực thi nhiệm vụ theo phân công; xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát và phương pháp giám sát đảm bảo tính khoa học và khả thi cao; Quy trình giám sát đảm bảo đúng quy định pháp luật, sau mỗi cuộc giám sát đều có báo cáo kết quả và thông báo những kiến nghị đến các cơ quan được giám sát.
Các Báo cáo giám sát, báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế đối với việc chấp hành pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp chất lượng ngày càng cao. Luôn coi trọng tính phản biện, không né tránh khi đề cập đến những hạn chế tồn tại, như: Tỷ lệ giải quyết tin báo của Cơ quan điều tra; tỷ lệ án trả điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng; số lượng án tạm đình; các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; số lượng án có điều kiện thi hành còn tồn nhiều, chưa giải quyết dứt điểm số án tồn đọng từ nhiều năm trước chuyển sang; tỷ lệ thi hành án dân sự… Các báo cáo kết quả và kết luận giám sát đã có những đánh giá đúng tình hình, xác định rõ ưu điểm những kết quả đạt được, các hạn chế khuyết điểm…, giúp cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát tự nhìn nhận lại việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, từ đó phát huy những mặt tốt, khắc phục những yếu kém để ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời các nội dung nhận xét, đánh giá tập trung vào những vấn đề trọng điểm, những kiến nghị đề xuất của báo cáo cũng xác đáng, sát thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân quan tâm, buộc các cơ quan Nhà nước phải quan tâm thực hiện.
Xuất phát từ đặc thù của các cơ quan tư pháp và nhìn nhận khách quan từ hoạt động giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố nói riêng và Hội đồng nhân dân Thành phố nói chung, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp đối với hoạt động tư pháp trong thời gian tới, Ban Pháp chế đề xuất một số kiến nghị sau:
Việc chất vấn các hoạt động tư pháp tại kỳ họp HĐND Thành phố đối với người đứng đầu các cơ quan tư pháp Thành phố như Chánh án TAND, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân, Giám đốc Công an Thành phố, … là một nội dung quan trọng, cần duy trì thực hiện thường xuyên.
Các thành viên Đoàn giám sát Ban pháp chế đã đặt câu hỏi.
Qua thực hiện chức năng giám sát đối với các hoạt động tư pháp, nếu phát hiện những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc còn nổi cộm, bức xúc chưa được cử tri và Nhân dân đồng tình cũng cần đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND Thành phố nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị Thành phố đối với việc quản lý người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị quận - huyện.
Cùng với đó, nâng cao năng lực chủ thể thực hiện chức năng giám sát và bộ máy tham mưu, phục vụ HĐND các cấp (Thành phố và 5 huyện). Trong đó cần xác định giám sát hoạt động tư pháp là yếu tố then chốt, do đó cần bố trí đại biểu HĐND các cấp hoạt động chuyên trách có điều kiện am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời gian tới, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Mặt khác, Cấp ủy Đảng các cấp, chính quyền các cấp cần nhận thức đúng vai trò của hoạt động giám sát của HĐND, từ đó có chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể để thực hiện nghiêm túc những kiến nghị đặt ra sau giám sát. Trên cơ sở đó, phát huy những kết quả đạt được, tiếp thu, khắc phục những hạn chế với tinh thần cầu thị để cơ quan, đơn vị mình ngày càng tốt hơn, chính quyền ngày càng vững mạnh hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, khảo sát chuyên đề đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp Thành phố, quận thông qua các kiến nghị của cử tri hoặc từ công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Qua đó, chủ động hoặc theo chỉ đạo của Thường trực HĐND Thành phố tổ chức giám sát đột xuất theo vụ việc, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục những hạn chế, tồn tại, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng, tăng cường phát huy vai trò, chức năng của báo chí, phương tiện truyền thông vào việc thông tin các hoạt động tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân đồng thời phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, thông tin kết quả giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp Thành phố, quận đến cử tri, nhân dân Thành phố.
Các giải pháp sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND Thành phố trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị và tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật và việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết HĐND Thành phố trong thời gian tới./.
CM