Ban hành Quy chế mới về bầu cử trong Đảng

Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024 | 14:51

thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Quy chế gồm 7 chương, 36 điều. Trong đó, có một số điểm đáng lưu ý sau:

Điều 1 về đối tượng và phạm vi điều chỉnh: Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra.

Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quyết định. Cấp ủy, tổ chức Đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được vận dụng theo Quy chế này.

Điều 2 về nguyên tắc bầu cử, việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định.

Điều 4 về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội: Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp mình theo quy định.

Tiếp nhận hồ sơ ứng cử vào cấp ủy của đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội (gửi đến cấp ủy trước khi đại hội chính thức khai mạc chậm nhất là 15 ngày làm việc) để chỉ đạo thẩm tra và chuyển đoàn chủ tịch báo cáo đại hội xem xét, quyết định.

Thông báo số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Chỉ đạo việc bầu cử đại biểu bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục quy định. Quyết định và thông báo thời gian khai mạc đại hội trước 30 ngày làm việc. Cung cấp tài liệu cho ban thẩm tra tư cách đại biểu về tình hình, kết quả bầu cử đại biểu và những vấn đề liên quan đến tư cách đại biểu.

Cung cấp tài liệu cho đoàn chủ tịch để trả lời các vấn đề do đảng viên, đại biểu đại hội yêu cầu liên quan đến các ứng cử viên. Chuẩn bị tài liệu cho cấp ủy khóa mới để bầu các chức danh lãnh đạo của cấp ủy, ủy ban kiểm tra khóa mới của cấp mình trong phiên họp lần thứ nhất. Chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua.

Về nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội (Điều 5): Điều hành việc bầu cử; hướng dẫn để đại hội thảo luận, quán triệt tiêu chuẩn cấp ủy viên, số lượng, cơ cấu cấp ủy; tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Đề cử danh sách nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị. Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử. Tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định…

Về ứng cử và thủ tục ứng cử (Điều 9), ứng cử được áp dụng trong các trường hợp sau: Đảng viên chính thức ứng cử tại đại hội đảng viên mà mình là thành viên của tổ chức đảng đó. Đại biểu chính thức của đại hội ứng cử tại đại hội đại biểu. Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội làm đơn ứng cử ở đại hội tổ chức cơ sở Đảng hoặc làm hồ sơ ứng cử để được bầu vào cấp ủy của đại hội đại biểu từ cấp huyện và tương đương trở lên….

Về đề cử và thủ tục đề cử (Điều 10), người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Về quyền bầu cử (Điều 13), chỉ đại biểu chính thức của đại hội đại biểu các cấp và đảng viên chính thức của đại hội đảng viên mới có quyền bầu cấp ủy cấp mình và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Ở đại hội đảng viên, đảng viên sinh hoạt tạm thời và đảng viên dự bị không có quyền bầu cử.

Về tính kết quả bầu cử (Điều 30), kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ; phiếu hợp lệ là phiếu được quy định tại Điều 15 của Quy chế này. Trường hợp phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô đồng ý, không đồng ý tương ứng với họ và tên người nào thì không tính vào kết quả bầu cử của người đó (phiếu đó vẫn được tính là phiếu hợp lệ).

Quy chế này thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Toàn văn Quy định xem tại đây qd-190-tw.pdf