Bạn hiểu gì về bệnh trầm cảm?

Thứ tư, ngày 13 tháng 12 năm 2023 | 15:43

Trầm cảm là một loại rối loạn tâm thần phổ biến, dấu hiệu đặc trưng được thể hiện như cảm giác buồn bã, mất hứng thú, cảm thấy tội lỗi hoặc tự đánh giá thấp giá trị của bản thân. Các dấu hiệu này thường xảy ra thường xuyên kéo dài và gây một số hệ quả như rối loạn giấc ngủ, mất tập trung hay chán ăn.

580-202312122112511.jpg

(Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân xếp thứ 3 trong nhóm các loại bệnh lý đang gây sức nặng lên toàn thế giới năm 2004 và sẽ chuyển dần tới vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.

Nguy cơ tử vong sau nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân trầm cảm cũng cao hơn và liên quan đến các mức độ trầm cảm khác nhau. Rối loạn trầm cảm cũng dẫn tới tình trạng giảm năng suất công việc, tăng nguy cơ nghỉ việc, qua đó gây ra thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, trầm cảm cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, tạo nên xung đột dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.

DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI TRẦM CẢM

Bệnh trầm cảm được chia thành nhiều mức độ khác nhau, trong đó, trầm cảm ở mức độ nhẹ có thể nhận biết dễ dàng nhất qua một vài dấu hiệu cơ bản như:

  • Khí sắc thuyên giảm: Biểu hiện nét mặt của bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sẽ luôn cảm thấy buồn bã, u sầu. Tình trạng khí sắc giảm dẫn tới xuất hiện các nếp nhăn trên mặt, tâm trạng bi quan, tiêu cực và dần mất hy vọng vào mọi thứ.
  • Mất hứng thú với các sở thích hoạt động: Người trầm cảm sẽ dần cảm thấy mất hứng thú và không bị hấp dẫn bởi những sở thích vốn có trước đây.
  • Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Các triệu chứng ức chế vận động nặng nề thường thấy như người bệnh nằm yên một chỗ cả ngày mà không hoạt động. Các thói quen sinh hoạt ăn uống bị thay đổi dẫn tới cảm giác ngon miệng bị giảm sút, ăn ít hoặc nhịn ăn hoàn toàn. Đặc biệt, dấu hiệu dễ nhận biết nhất trong trầm cảm là mất ngủ, người bệnh sẽ thường xuyên than phiền về việc khó vào giấc ngủ, hoặc một số trường hợp ngược lại, bệnh nhân sẽ có xu hướng ngủ nhiều hơn mức bình thường.
  • Giảm sút năng lượng: Người trầm cảm thường than phiền việc năng lượng bị giảm sút, họ cảm thấy bị kiệt sức và luôn trong trạng thái mệt mỏi, gần như không có sức để làm việc gì. Tình trạng mệt mỏi thường nặng hơn về buổi sáng. Bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy năng lực bản thân yếu kém, vô dụng và không thể làm tốt được việc gì. Ngoài ra, một số bệnh nhân sẽ hay than phiền về việc khó tập trung suy nghĩ về một vấn đề. Khi đưa ra quyết định sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian để cân nhắc đưa ra quyết định.

580-202312122112512.jpg

(Ảnh minh họa)

Mặc dù, mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm chưa được thống nhất, nhưng có thể phân cấp mức độ nghiêm trọng qua triệu chứng, thời gian và các suy giảm chức năng cơ thể đi kèm. Các chuyên gia cho rằng, mức độ và triệu chứng của bệnh trầm cảm có mối liên kết với nhiều mức độ bệnh. Ở một giai đoạn nguy hiểm hơn của trầm cảm, bệnh nhân có thể sẽ có ý nghĩ hoặc thực hiện “hành vi tự sát”. Theo đó, bệnh nhân sẽ có những hành vi đi kèm như tăng cường sử dụng rượu/bia, chất kích thích hay tiêu cực nhất là ma túy để giải tỏa cảm xúc, tự do thể hiện cảm giác tuyệt vọng.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở mỗi người bệnh khác nhau. Bởi vậy, dựa vào mỗi nguyên nhân và biểu hiện của bệnh nhân mà chúng ta sẽ có các cách điều trị khác nhau. Bệnh lý trầm cảm đòi hỏi cần có sự can thiệp y tế càng sớm càng tốt, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn hay người thân có các dấu hiệu của rối loạn trầm cảm phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín hoặc các trung tâm y tế về sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán chính xác và đề xuất hướng điều trị thích hợp.

580-202312122112513.jpg

(Ảnh minh họa).

Để được giải đáp mọi câu hỏi thắc mắc cũng như nhu cầu cần thăm khám và điều trị về sức khỏe, hãy liên lạc với chúng tôi!

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là bệnh viện hạng I, đầu ngành tâm thần của thành phố Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô với quy mô lớn, điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân tại cộng đồng. Bệnh viện luôn cập nhật kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.

BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI - HANOI MENTAL HOSPITAL

Địa chỉ: Ngõ 467, đường Nguyễn Văn Linh, phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0967301616.