Bánh chưng ở lại…
Nói thẳng, tầm văn xuôi Việt nào đã vinh hạnh đạt đến đẳng cấp của cái bánh chưng về giá trị cổ truyền lẫn tính phổ quát mà đem so sánh với nhau. Là đang nói đến việc một nhà văn Việt ở hải ngoại so sánh giữa văn xuôi xứ mình và cái bánh chưng đang gây sóng trên mạng xã hội mấy ngày qua.
“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng/ Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt/ Ta ước gì được mãi như thế/ Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết”. Trong bài thơ Cảnh Tết của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Thì đủ thấy Tết với người Việt luôn là biểu trưng cho ước mơ no đủ, bánh chưng biểu tượng cho sự quây quần.
Nhưng ở đây không nói về văn vẻ hay bánh trái, mà đầu xuân lạm bàn một chút về hai chữ “phong tục”, trước chọn lựa mất còn/đổi thay giữa thời đại số hóa toàn triệt. Phong tục, tập quán vốn dĩ như hình với bóng trong đời sống tinh thần mỗi con người của mọi dân tộc, mọi dải đất trên hành tinh từ thời hang động, nay sẽ ra sao?
Sẽ ra sao, một khi con người chết đi tro bụi thân xác đều được vãi xuống sông biển. Hoặc nằm gọn một ô trong tòa nhà dịch vụ lưu trữ nào đó, như cuốn sách xếp trong thư viện. Sẽ không còn dãy mả với thanh minh tảo mộ? Sẽ ra sao một khi ngày giỗ được bấm hẹn giờ, những nén hương được đốt lên tự động từ xa? Khi con cháu đã là những công dân toàn cầu, khế ước truyền thống rồi sẽ được thay thế bằng những giao ước dịch vụ để chăm lo toàn phần cho ông bà, cha mẹ?
Cũng như việc đòi bỏ Tết hay “giải phóng” cái bánh chưng được cho là “thô nặng” tốn kém công sức, thời gian,…
Will Durant cho rằng các định chế, quy ước, phong tục và luật lệ tạo nên cấu trúc phức tạp của một xã hội là công trình của hàng trăm thế kỷ và hàng tỷ khối óc. Nên không thể một sớm một chiều để có thể thay đổi.
Quả đúng vậy. Phong tục ngàn đời không phải như cái ổ cứng hay một cái app để có thể mổ xẻ phân tích, nâng cấp hay xóa đi.
Sống, một tiến trình cho đến lúc này đây vẫn là một tập quán, khiến tôi nghĩ nhiều lúc con người có cảm giác bản thân mang tiêu chuẩn kép, tất nhiên không thiên về phạm trù đạo đức. Có những điều buộc phải làm, và phần nhiều hơn cả là những cái thường nhật diễn ra một cách bình thường, suồng sã đời sống. Như vào một nhà thờ, nhà chùa, tham dự một lễ hội, hay tuân thủ những nghi lễ phép tắc ngày Tết, ứng xử buộc phải khác với không gian, tình huống bình thường khác. Ba ngày Tết vẫn phải chúc tụng nhau những lời có cánh, dù trong bụng nhiều khi không được như vậy.
Phong tục, tập quán cho đến ẩm thực, không thích là quyền cá nhân. Nhưng để cải thiện hay phế bỏ điều đó thì chính anh phải góp phần vào công cuộc gầy dựng, sáng tạo ra cái mới. Chứ không phải bỏ ngang, sổ toẹt. Phải cho cái mới một lý do để ra đời và tồn tại một cách thuyết phục, cho nó một lý do bất khả kháng thay thế cái cũ để có thể đem lại những giá trị nhân sinh lâu bền.
Nói như Saint Exupery, những phong tục được tích lũy từ nhiều thế kỷ với những yếu tố mà chúng ta khó có thể biện minh bằng logic. Nhưng ai biết có những con đường sâu thẳm nội tâm mở ra và nối lại cho con người bao nhiêu khoảng cách mênh mông. Làm sao chỉ nhìn cái thân cây trước mắt mà quên đi cội rễ vô tận và ảo huyền khuất lấp dưới tầng sâu?
Ví von theo ý người xưa, rằng "bánh chưng ở lại chịu lời đắng cay". Khi củi lửa truyền thống trên thế gian đang dần nguội lạnh.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/banh-chung-o-lai-post1414339.tpo
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam