Bảo Việt thay đổi hai vị trí nhân sự cao cấp nhất
Tập đoàn Bảo Việt vừa có thông báo cùng lúc thay đổi hai vị trí nhân sự cao cấp nhất: miễn nhiệm Chủ tịch và Tổng Giám đốc, thay bằng hai người mới.
Theo một thông báo ghi ngày 25/8, Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho biết đã cùng lúc miễn nhiệm hai vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tập đoàn.
Theo đó, từ ngày 24/8, ông Đào Đình Thi không còn là thành viên hội đồng quản trị, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Việt. Ông Thi được thôi nhiệm vụ làm người đại diện theo ủy quyền phần vốn Nhà nước đầu tư tại Tập đoàn Bảo Việt.
Cũng từ ngày 24/8, Bảo Việt miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc và thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt đối với ông Đỗ Trường Minh. Ông Minh cũng không còn được giao đại diện vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau khi miễn nhiệm, Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt còn 7 thành viên gồm, bà Trần Thị Diệu Hằng, ông Nguyễn Đình An, bà Thân Hiền Anh, ông Nguyễn Xuân Việt và 3 đại diện từ Nhật Bản.
Tập đoàn Bảo Việt miễn nhiệm chức vụ chủ tịch đối với ông Đào Đình Thi.
Cũng từ ngày 24/8, Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt bổ nhiệm bà Trần Thị Diệu Hằng phụ trách Hội đồng quản trị. Ông Nguyễn Đình An được giao làm quyền Tổng Giám đốc.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ lên gần 26,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 841 tỷ đồng, chỉ bằng 87,3% cùng kỳ, chủ yếu do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2022.
Tính tới cuối quý II/2022, Bảo Việt ghi nhận lượng tiền và tương đương tiền giảm mạnh từ mức 5.354 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3.138 tỷ đồng. BVH ghi nhận dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gấp hơn 5 lần lên gần 245 tỷ đồng.
Tổng tài sản tăng từ 169,5 nghìn tỷ đồng cuối quý II/2021 lên hơn 193 nghìn tỷ đồng cuối tháng 6/2022.
Bảo Việt vừa trình kế hoạch cổ tức kỷ lục cho năm 2021 hơn 30% bằng tiền, từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trị giá 2.246 tỷ đồng. Đây là mức cổ tức cao kỷ lục của BVH, so với mức khoảng 8-10% mỗi năm kể từ 2014 tới 2020.
Tại ĐHCĐ thường niên 2022 hôm 29/6, ban chủ tọa đánh giá Tập đoàn Bảo Việt đang yếu về vốn và cần nâng vốn. BVH cũng đề cập đến việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước. Dự kiến, tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên ở mức 65% cho đến 2025 và giảm về 51% trong giai đoạn từ 2026 đến 2030.
Bảo Việt cũng sẽ nghiên cứu và báo cáo hai cổ đông lớn là Bộ Tài chính và Sumitomo Life về việc cổ phần hóa Tổng CTCP Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ.
Hồi cuối 2019, Bảo Việt phát hành 41,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 96.817 đồng/cp cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) và cổ đông Nhật nâng tỷ lệ sở hữu từ 17,48% lên 22,09%. Năm 2012, Sumitomo Life cũng từng chi 7.098 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) mua 122,5 triệu cổ phiếu BVH từ cổ đông sáng lập của Bảo Việt - HSBC Insurance Holdings Limited.
M. Hà
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất