Báo chí thời AI và câu chuyện truyền thông có trách nhiệm
Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra một số điểm mới trong câu chuyện truyền thông có trách nhiệm của báo chí. Cần đề cao giá trị đạo đức và các chuẩn mực của xã hội văn minh khi thực thi công tác truyền thông trong bối cảnh mới.
Đề xuất mục tiêu phát triển bền vững thứ 18
Truyền thông có trách nhiệm là một khái niệm không quá mới nhưng vẫn đang mang đậm tính thời sự, thu hút sự quan tâm, thảo luận của cộng đồng quốc tế.
Các chuyên gia đều cho rằng báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy truyền thông có trách nhiệm để góp phần phát triển xã hội văn minh. Dĩ nhiên, giờ đây nói đến truyền thông có trách nhiệm thì không phải chỉ đề cập tới mỗi báo chí mà cả những người có ảnh hưởng và thậm chí cả các cá nhân tham gia mạng xã hội bởi mỗi người trong số họ đều có thể coi là một nhà báo công dân.
Những hành vi truyền thông thiếu trách nhiệm như truyền thông mang yếu tố thiên lệch, lan truyền thông tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin gây nhầm lẫn… đang gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại, chẳng hạn gây xung đột mạnh mẽ, nặng nề về ý thức hệ, địa chính trị, hoặc gây tổn hại lợi ích của các tổ chức, cá nhân.
Trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng có quy định pháp lý cụ thể để hướng dẫn hành vi truyền thông có trách nhiệm cũng như chế tài đủ sức răn đe đối với hành vi truyền thông thiếu trách nhiệm.
Nhiều năm nay, Hội đồng Điều hành của Liên minh Toàn cầu về quản trị công chúng và truyền thông - Global Alliance (trong đó có thành viên là Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam) luôn theo đuổi mục tiêu thúc đẩy ý thức về truyền thông có trách nhiệm.
Tháng 9 năm ngoái, tại Diễn đàn thế giới về Quan hệ công chúng và truyền thông diễn ra ở Ấn Độ, Hội đồng Điều hành của Global Alliance gồm khoảng 30 người đã ký vào một bức thư gửi cho Liên Hợp Quốc, đề nghị đưa truyền thông có trách nhiệm trở thành một mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Như chúng ta đã biết, hiện có 17 mục tiêu phát triển bền vững, và Global Alliance đề nghị Liên Hợp Quốc đưa truyền thông trách nhiệm trở thành mục tiêu thứ 18. Bởi truyền thông có trách nhiệm có thể thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội văn minh. Tới nay, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, Global Alliance vẫn đang tiếp tục làm việc với Liên Hợp Quốc về việc này.
Ông Nguyễn Khoa Mỹ tham gia phiên thảo luận về sử dụng AI hiệu quả trong truyền thông tại Hội nghị quốc tế về PR diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) đầu tháng 6 vừa qua.
AI tạo nhiều điểm mới trong truyền thông có trách nhiệm
Cuối tuần trước, ở Kuala Lumpur (Malaysia) đã diễn ra một hội nghị quốc tế về quan hệ công chúng và truyền thông với đa dạng chủ đề. Khi bàn luận về vấn đề ứng dụng AI một cách hiệu quả trong truyền thông, câu chuyện truyền thông có trách nhiệm và vai trò của báo chí trong bối cảnh mới đã được nhắc tới rất nhiều.
AI có tác động tích cực đối với sự phát triển của báo chí, đặc biệt là trong việc tìm kiếm, khai thác và phát huy giá trị của dữ liệu. Tuy nhiên, các phóng viên và các cơ quan báo chí cần cẩn trọng với việc sử dụng thông tin được tạo ra từ AI để hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp.
Lâu nay, công chúng vẫn hay tìm đến báo chí chính thống để tìm kiếm thông tin đáng tin cậy nhất. Thế nhưng, AI có thể dẫn xuất lại dữ liệu hoặc tạo ra những dữ liệu, nội dung không có thật. Để đảm bảo truyền thông có trách nhiệm, báo chí cần kiểm chứng các nguồn dữ liệu được cung cấp bởi AI trước khi chia sẻ thông tin tới công chúng, độc giả. Những người làm công tác báo chí cần đặc biệt lưu tâm tới những vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân, quyền riêng tư, tính xác thực trong thông tin…
Một “mặt trái” khác của AI là những thuật toán được viết từ sự thiên lệch. Vẫn có những “con” AI thiên lệch về ngôn ngữ, quan điểm…, có thể cung cấp thông tin chưa chính xác, thông tin gây nhầm lẫn, thậm chí tin giả.
Câu chuyện truyền thông có trách nhiệm tại Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với xu hướng chung của thế giới. Việt Nam đã ban hành một loạt quy định pháp luật liên quan tới việc thúc đẩy, khuyến khích hoạt động truyền thông có trách nhiệm. Có thể kể tới Luật Báo chí 2016, Luật An ninh mạng 2018, cùng các nghị định khác, quy định rất cụ thể về hành vi truyền thông thiếu trách nhiệm có thể bị xử lý. Nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt rất nghiêm khắc. Đấy là sự khởi đầu tốt.
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong bối cảnh bùng nổ những công nghệ mới như AI, hành lang pháp lý cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Tôi tham khảo thông tin từ các nguồn như website của Chính phủ hay website của Tòa án nhân dân tối cao thì thấy có những cuộc thảo luận rất cởi mở về việc hoàn thiện quy định pháp luật để giúp người dân, các tổ chức, cá nhân hiểu biết và thực hiện tốt hơn nữa việc truyền thông một cách có trách nhiệm.
Báo chí cần có góc nhìn bao dung, đa chiều, toàn diện hơn
Tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc hồi tháng 3 vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tham gia phiên thảo luận có chủ đề “Báo chí và doanh nghiệp”, bàn về “bức tranh toàn cảnh” mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận, tôi đưa ra quan điểm: Truyền thông có trách nhiệm là một yếu tố quan trọng giúp duy trì và cải thiện mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
Các lãnh đạo cơ quan báo chí cũng như cơ quan quản lý báo chí đều rất ủng hộ quan điểm đó. Bởi vì đôi khi việc báo chí đăng thông tin chưa thực sự đầy đủ, đa chiều đã làm cho mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp không còn được thực sự bình đẳng.
Với hơn 800 cơ quan báo chí, khoảng 20.000 người đang tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí, rõ ràng, Việt Nam đang có nền báo chí rất sôi động. Các cơ quan báo chí chính thống, các cơ quan báo chí được cấp phép là những nền tảng thông tin đáng tin cậy, các doanh nghiệp thường tìm đến các cơ quan báo chí đó để hợp tác.
Song vẫn có những trang tin tổng hợp hoặc báo chí địa phương đôi khi tạo ra sự rối ren nhất định, thông tin chưa được đăng tải đầy đủ, dễ gây hiểu nhầm, làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ranh giới rất mong manh giữa tính hấp dẫn và tính xác thực của một bài báo vẫn còn là điều trăn trở đối với nhiều người quan tâm tới hoạt động truyền thông có trách nhiệm.
Thiết nghĩ, báo chí cần trở nên bao dung hơn, đánh giá đúng và nhìn nhận một cách thỏa đáng hơn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đó, báo chí và doanh nghiệp sẽ cùng nhau phát triển, cùng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tương lai của báo chí sẽ còn rất nhiều thay đổi so với hiện tại. AI sẽ tiếp tục trở thành công cụ hữu hiệu giúp các tòa soạn tạo ra những sản phẩm báo chí hấp dẫn.
Báo chí thời AI bên cạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng, thì cũng cần tiếp cận các đối tượng khác nhau trong xã hội với tư cách đối tác đối thoại cùng hướng đến những mục tiêu chung, ví dụ như cùng phát triển những dự án kinh tế, cùng thúc đẩy các dự án về quảng bá hình ảnh đất nước, hay các hoạt động phát triển bền vững… Khi đó, “bức tranh” truyền thông có trách nhiệm của báo chí sẽ có thêm nhiều điểm sáng.
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí