Bảo đảm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp thực tiễn
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sáng 25-10, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nêu 5 vấn đề cần quan tâm, xử lý để bảo đảm thống nhất với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và thực tiễn quản lý.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận sáng 25-10. Ảnh: media.quochoi.vn
Về tỷ lệ quy hoạch phân khu, nhằm bảo đảm thống nhất giữa Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị, tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định Quy hoạch phân khu lập theo một tỷ lệ duy nhất là 1/2000 (hiện dự thảo Luật đang quy định 2 tỷ lệ 1/5000 hoặc 1/2000). Đồng thời bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 thì được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Vấn đề về hệ thống quy hoạch đô thị, đại biểu cho biết, thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Thủ đô Hà Nội được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị), thành phố Hà Nội lập Quy hoạch chung Thủ đô, dưới quy hoạch chung Thủ đô là các quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn thị tứ và dưới các quy hoạch chung đô thị mới lập các quy hoạch phân khu đô thị. Từ đó dẫn đến để lập được quy hoạch phân khu cơ bản phải thông qua 2 cấp độ quy hoạch chung là quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch chung đô thị, thị trấn.
Hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn đang quy định “Quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung thị xã, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị mới…”. Từ đó dẫn đến, sau khi Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt, thành phố Hà Nội sẽ phải tiếp tục lập Quy hoạch chung 2 thành phố trực thuộc là thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn… rồi mới lập được các quy hoạch phân khu.
Theo địa biểu Phạm Thị Thanh Mai, việc này sẽ tốn nhiều thời gian, có thể gây đứt gãy quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị tại Thủ đô.
“Để tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết trong khi toàn thành phố Hà Nội đã có Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, kiến nghị bổ sung quy định: “Đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, dưới quy hoạch chung thành phố lập ngay quy hoạch phân khu”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 25-10. Ảnh: media.quochoi.vn
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không còn quy hoạch vùng huyện; quản lý các huyện được thay bằng quy hoạch chung huyện (đây là loại quy hoạch nông thôn). Do vậy dẫn đến có điều khoản chuyển tiếp “Quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hiệu lực của quy hoạch”.
Về nội dung nói trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, nội dung này là chưa đầy đủ do khi không còn quy hoạch xây dựng vùng huyện, các hoạt động điều chỉnh quy hoạch (khi có sự tác động từ các quy hoạch cấp cao hơn là quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành…) sẽ không có hành lang pháp lý để thực hiện.
Để tránh đứt gãy trong quá trình quản lý, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định tại điều khoản chuyển tiếp theo hướng việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy trình quy định như đối với điều chỉnh quy hoạch chung huyện.
Để bảo đảm quản lý hoạt động hành nghề theo Luật quản lý lĩnh vực, đại biểu kiến nghị bổ sung nội dung quản lý hoạt động hành nghề quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Như vậy sẽ bảo đảm hoạt động hành nghề kiến trúc được quản lý bởi Luật Kiến trúc; hoạt động hành nghề quy hoạch đô thị và nông thôn được quản lý bởi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; các hoạt động quản lý hành nghề còn lại của ngành xây dựng được quản lý bởi Luật Xây dựng.
Đối với thanh tra quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị bổ sung nội dung quy định về thanh tra chuyên ngành quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng đối với các đô thị, thành phố, UBND cấp tỉnh căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương được phép lập, quy định nhiệm vụ cụ thể cho thanh tra chuyên ngành quy hoạch đô thị và nông thôn nằm trong các sở xây dựng hoặc sở quy hoạch - kiến trúc.
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024