Bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân
Bảo đảm duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư y tế sau bão số 3 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cơ quan chức năng và các địa phương nỗ lực thực hiện.
Bù đắp hàng hóa bị thiếu hụt ở thị trường miền Bắc, hàng trăm tấn hàng hóa, rau củ từ miền Nam đã được chi viện ra miền Bắc để bình ổn thị trường. Một lượng lớn hàng hóa cũng được cơ quan chức năng điều tiết, tập trung cung cấp cho những địa phương, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.
Bình ổn thị trường thực phẩm
Nhanh tay nhặt mớ rau muống tươi ngon tại Siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội), chị Nguyễn Thu Trang (khu đô thị Xa La, Hà Đông) cho biết, do mưa kéo dài nên thị trường thực phẩm rau xanh trên địa bàn TP Hà Nội tăng giá so với mấy hôm trước, nhất là tại các chợ truyền thống. Thế nên trong những ngày mưa bão, chị chọn mua hàng tại siêu thị vì giá ổn định, hàng hóa dồi dào. Khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị cho thấy, lượng người mua sắm đông hơn so với ngày thường. Các mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, rau xanh, thịt lợn, thịt bò, cá... Hàng hóa cũng được nhân viên liên tục bổ sung ra quầy.
Người dân Hà Nội mua hàng tại hệ thống siêu thị WinMart. |
Còn tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như: Chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai), chợ Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa), chợ Long Châu (quận Ba Đình)... thực phẩm tươi sống, rau củ khá đa dạng. Giá bán các loại thực phẩm như: Thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá, tôm nhỉnh hơn ngày thường từ 5.000 tới 10.000 đồng/kg. Cụ thể: Thịt ba chỉ, vai giòn, sườn non có giá 140.000 đồng/kg, xương sườn 130.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg. Cá trắm, cá chép có giá 70.000-75.000 đồng/kg... Theo một số tiểu thương, việc mua hàng những ngày gần đây đã trở lại bình thường, giá rau xanh hiện vẫn cao còn hơn so với trước khi có bão là do nguồn cung sụt giảm, việc vận chuyển cũng có nhiều khó khăn. Người dân không có thói quen tích trữ quá nhiều hàng hóa.
Tại Hải Phòng, chia sẻ với chúng tôi, chị Mai Thị Gấm, tiểu thương tại chợ Tam Bạc (quận Hồng Bàng) cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú. Lượng hàng tại chợ đầu mối này rất phong phú, trong đó có mặt hàng rau củ. Những ngày qua, sức tiêu thụ mặt hàng rau củ lớn, chỉ sau vài giờ, lượng hàng đã được phân phối đi các địa phương. Chợ cũng không có hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa thiết yếu.
Tại tỉnh Quảng Ninh, một số địa bàn cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng do bão, nhưng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đã khôi phục hoạt động. Cập nhật đến ngày 12-9, có 130/133 chợ, 11 siêu thị kinh doanh tổng hợp và 342 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn duy trì bán các mặt hàng thiết yếu, trong đó có rau củ quả, thịt, trứng. Tỉnh Quảng Ninh vẫn đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ khoảng 10-15% so với thời điểm trước bão.
Tại một số địa bàn bị ngập lụt: Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang... chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn cung ứng lương thực hằng ngày. Các hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn bảo đảm nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là khi nước đang rút dần.
Hàng hóa miền Nam cấp tập ra Bắc
Trước tình hình các vùng trồng rau tại các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đang tích cực khai thác nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam để cung ứng đủ hàng hóa. Thông tin từ một số doanh nghiệp phân phối lớn như: Saigon Co.op, Wincommerce, Central Retail.., trong bối cảnh nhiều nhà cung ứng phía Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3, các siêu thị đã tăng nhập rau củ, hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Nam, Lâm Đồng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Người dân Hà Nội mua hàng tại hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam. |
Các hệ thống bán lẻ cũng điều chuyển hàng từ nơi dư thừa sang nơi thiếu hụt, đặc biệt là các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Đơn cử như Saigon Co.op đã nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Riêng với rau xanh, Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn và sẽ vận chuyển liên tục ra miền Bắc.
Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, nhân viên tăng ca để trung tâm hoạt động 24/24 giờ với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Ngoài xe chuyên dụng, xe bảo ôn, trung tâm phân phối Saigon Co.op đã linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ để di chuyển nhanh chóng trên các tuyến đường. Còn hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam mỗi ngày đã tăng thêm hai chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội (khoảng 16 tấn rau củ quả)... Hệ thống siêu thị GO!, Big C thuộc Central Retail Việt Nam cũng đã tăng 100% sản lượng cung ứng rau củ các loại so với ngày thường. Trung bình mỗi chuyến xe từ Đà Lạt vận chuyển hàng đến miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/ chuyến nay tăng lên 75-80 tấn/ chuyến.
Điều tiết hàng hóa từ các tỉnh tới vùng ngập lụt
Chia sẻ về công tác bảo đảm hàng hóa cho các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Bộ Công Thương đã có công văn gửi sở công thương tại 35 tỉnh, thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng, kịp thời cung ứng, bảo đảm số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.
Tới nay, báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn... giá các mặt hàng thiết yếu, thiết bị cơ bản ổn định, ngoại trừ một số loại rau có tăng giá nhẹ là do mặt hàng này khó bảo quản. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc vận chuyển nhu yếu phẩm cho các vùng bị cô lập do bão, vì thế các địa phương phải huy động lực lượng lớn thuyền, áo phao và có phương án cụ thể cho các huyện ngập sâu.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có phương án cụ thể đối với từng địa phương, đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh, thành phố khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 27/11/2024: Thêm ngân hàng tăng mạnh lãi huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm