Bảo đảm giải quyết quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT sau bão số 3
Ngày 9-9, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ra thông cáo báo chí về việc chủ động, khẩn trương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), bảo đảm giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tổ chức họp, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT sau bão Yagi. Ảnh: Duy Nguyễn
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, những ngày vừa qua, bão số 3 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Tuy vậy, công tác chuyên môn của ngành vẫn được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm không gián đoạn việc thụ hưởng quyền lợi, chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Để tiếp tục bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nhất là khi thiệt hại của bão số 3 còn nặng nề, ông Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất, thủ trưởng các đơn vị liên quan, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố, Giám đốc BHXH cấp huyện tại các vùng ảnh hưởng của bão tập trung trực tiếp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để triển khai các chỉ đạo của các cấp và linh hoạt thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm người dân, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, khám, chữa bệnh (KCB) BHYT với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất.
Thứ hai, phân công lãnh đạo, cán bộ thường trực sẵn sàng giải quyết các chế độ nêu trên. Đối với vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão (thiệt hại nặng nề, bị chia cắt, gián đoạn giao thông, hạ tầng, liên lạc, mất điện, nước...), cử cán bộ cùng với các ngành, cơ quan liên quan đến trực tiếp phục vụ người dân, giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Đặc biệt, đối với công tác KCB BHYT, đề nghị Giám đốc BHXH các cấp cần thực hiện:
Một là, tuyệt đối không để người dân không được KCB, chăm sóc sức khỏe do các gián đoạn về giao thông, hạ tầng, cơ sở vật chất… sau bão, lũ nêu trên. Phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở KCB trọng yếu, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục KCB của người bệnh như thẻ BHYT, giấy chuyển viện… để bảo đảm tất cả người bệnh được KCB ngay, kịp thời. Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet để cập nhật dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống thì thực hiện trực tiếp. Ưu tiên KCB đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc bị tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng bão lũ gây ra.
Hai là, phối hợp với ngành Y tế, các cơ sở KCB và các cơ quan liên quan có các giải pháp để bảo đảm thuốc, thiết bị y tế phục vụ người bệnh (mua sắm trực tiếp, điều chuyển thuốc, thiết bị y tế…), kịp thời chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn; tổ chức KCB BHYT, cấp thuốc cho các trường hợp do điều kiện không thể đến được cơ sở KCB.
Ba là, tạm ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB, bảo đảm công tác KCB BHYT được thông suốt, tuyệt đối không để tình trạng cơ sở KCB thiếu kinh phí KCB BHYT.
Về ảnh hưởng sau bão số 3 còn diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh miền núi, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố không lơ là, chủ quan, thường xuyên quan tâm theo dõi tình hình, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT...
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết
- Không khoan nhượng với tội phạm buôn bán người
- Hồi sinh lụa La Khê
- Bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi người tiêu dùng
- Nhận diện, đấu tranh tội phạm ma túy từ cửa ngõ, bến xe
- Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động