Bảo đảm quyền con người trong kỷ nguyên mới
Với chủ trương, quan điểm xuyên suốt: “Lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.
Tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người diễn ra ngày 11-12 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Trong các Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều coi trọng việc bảo đảm quyền con người. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết, kết luận thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong toàn xã hội.
Có thể khẳng định, bảo đảm quyền con người không có gì xa lạ ở nước ta. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, quyền con người luôn là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong suốt tiến trình cách mạng. Hiến pháp đầu tiên - năm 1946, đến Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm. Đại hội XIII của Đảng xác định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Qua đó, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển con người, nổi bật là công cuộc giảm nghèo, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện rõ rệt với sự liên tục cải thiện các chỉ số quan trọng liên quan đến con người.
Mới đây nhất, theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia; Chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) năm 2024 tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166. Việt Nam hiện là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.
Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thắng lợi. Đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân chính là thước đo hiệu quả và thành công của đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước. Trên tinh thần này, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền con người là làm cho mỗi người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc”.
Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện cả về kinh tế lẫn xã hội. Những thành quả phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc đã góp phần bảo đảm quyền con người, xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc, tươi đẹp.
Hiện nay đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đích đến cuối cùng là phát triển bứt phá, tăng tốc, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, đó là mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Do đó, chúng ta cần tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người; thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể... Bảo vệ quyền con người phải được thể hiện trong các nội hàm: Con người được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; mọi người được tự do, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, phát huy tối đa lợi ích của bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xã hội; người dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước.
Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chúng ta chắc chắn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, vươn lên, vươn nhanh...
- Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội
- Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
- Nhận diện chính xác để đấu tranh hiệu quả
- Phản biện xã hội - phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
- Quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác giám sát, phản biện xã hội
- Phản biện xã hội đảm bảo đúng đắn, lợi ích của Nhân dân
- Tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật
- Quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác giám sát, phản biện xã hội
- Kỷ nguyên mới, cách làm mới