Bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả

Thứ bảy, ngày 6 tháng 8 năm 2022 | 7:3

Tại chương XII dự thảo Luật Đất đai, quy định về phân loại đất, thời hạn sử dụng đất, chế độ sử dụng các loại đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nhiều quy định mới nhằm bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 1.

Bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả

Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như:

Về thời hạn sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài đối với: đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang, ban quản lý rừng tại khoản 3 Điều 140. Về đất sử dụng có thời hạn: Bổ sung khoản 10, 11 Điều 141 quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không và việc gia hạn sử dụng đất.

Bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 143 quy định về thời hạn sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân thông qua việc giải quyết hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án. Bổ sung Điều 144 quy định về thời hạn sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư; điều chỉnh, gia hạn thời hạn sử dụng đất của dự án.

Chế độ sử dụng các loại đất

Về chế độ sử dụng các loại đất: Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; tăng cường quản lý chất lượng đất; quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp; xử lý đối với đất của các công ty nông, lâm nghiệp không đầu tư… của Nghị quyết theo hướng:

Về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 146): Dự thảo đề xuất quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng này không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp.

Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp

Về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp: Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 213).

Đề xuất bổ sung quy định tại Điều 160 và 161 về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.

Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch (khoản 3 Điều 147).

Luật hóa một số quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tại Điều 150 dự thảo Luật.

Bổ sung chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung (Điều 152), đất dành cho đường sắt (Điều 175), đất xây dựng công trình trên không (Điều 182), đất sử dụng đa mục đích (Điều 184), điều chỉnh quyền sử dụng đất (Điều 185)…; sửa đổi quy định về chế độ sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng tại các Điều 153, 154, 155 của dự thảo Luật để thống nhất với quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Bổ sung chế độ sử dụng của một số loại đất

Đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng của một số loại đất để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả như:

Đối với đất quốc phòng, an ninh: bổ sung tại các khoản 4,5,6 Điều 167 quy định về việc sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, công an.

Đối với đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp: dự thảo đề xuất bổ sung tại khoản 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9 Điều 168 quy định: Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thì ngoài các đối tượng được thuê đất như hiện hành, Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.

Chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường và để thực hiện chính sách khác của nhà nước; diện tích đất này không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được Nhà nước hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và từng dự án để xác định quỹ đất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.

Dự thảo đề xuất giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn. Không bố trí khu vực nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ban Quản lý khu công nghệ cao không được cho thuê đất

Đối với đất khu công nghệ cao (Điều 170), dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng không giao cho Ban Quản lý khu công nghệ cao thẩm quyền được cho thuê đất trong khu công nghệ cao như hiện hành mà giao trách nhiệm này cho UBND cấp tỉnh, đồng thời bổ sung trách nhiệm của Ban Quản lý khu công nghệ cao trong việc phối hợp với các cơ quan để bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu công nghệ cao.

Đối với đất cho hoạt động khoáng sản (Điều 171), dự thảo đề xuất bổ sung quy định phải áp dụng các biện pháp công nghệ thích hợp để khai thác, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm; phải thực hiện các biện pháp cần thiết để không gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống của những người sử dụng đất xung quanh và không ảnh hưởng xấu đến môi trường trong thăm dò khai thác khoáng sản; nghiêm cấm sử dụng đất thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản để khai thác khoáng sản.

Không giao Cảng vụ hàng không thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cảng hàng không, sân bay

Đối với đất cảng hàng không, sân bay dân dụng: dự thảo đề xuất bổ sung thêm 1 phương án tại Điều 174 theo hướng không giao Cảng vụ hàng không thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cảng hàng không, sân bay mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giao đất, cho thuê đất trực tiếp cho người sử dụng đất cảng hàng không, sân bay, đồng thời bổ sung quy định để xử lý đối với các cảng hàng không, sân bay hiện hữu.

Đối với đất tôn giáo: dự thảo làm rõ các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo sử dụng đất làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo (Điều 56). Đối với đất sử dụng vào mục đích khác thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm (Điều 58). Để bảo đảm ổn định, dự thảo bổ sung quy định xử lý đối với tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì Nhà nước xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (Điều 178).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý và tổ chức thực hiện thống nhất; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của các đối tượng sử dụng đất; chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn trên cơ sở đồng thuận của người sử dụng đất, góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn; nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác không gian ngầm và không gian trên không.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn