Bao giờ chuyện ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến hồi kết?
Câu chuyện ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên từng gây sự chú ý của dư luận. Kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao mới đây sẽ là thủ tục tố tụng cuối cùng hay khởi đầu của một quy trình tố tụng kéo dài.
Viện trưởng VKSND Tối cao vừa đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, hủy 2 bản án vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên |
Trao đổi với VietNamNet về việc này, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm cho rằng, việc Viện trưởng VKSND Tối cao vừa đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, hủy 2 bản án vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thể hiện quyết tâm bảo vệ quan điểm đối với kháng nghị của cơ quan này trước đó.
Theo luật sư, đây là "thủ tục đặc biệt" (xem xét lại quyết định giám đốc thẩm), là thủ tục mới được quy định trong Bộ luật tố tụng (BLTT) dân sự năm 2015.
Phần lớn các bản án phúc thẩm mà đương sự vẫn không hài lòng thì thường có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo đó, BLTT dân sự năm 2015 quy định: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật này.
Điều 326 BLTT dân sự năm 2015 quy định, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường |
Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và có đơn đề nghị theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật này, hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 327 của Bộ luật này.
Trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị.
Như vậy, quyết định, bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị hủy bỏ theo thủ tục giám đốc thẩm nếu như có một trong những căn cứ theo quy định tại điều 326 bộ luật Bộ luật tố tụng dân sự nêu trên.
Bao giờ đến hồi kết?
Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, để thực hiện thủ tục giám đốc thẩm, cần phải có đơn khiếu nại, kiến nghị của đương sự, của cơ quan có thẩm quyền theo Điều 327 BLTT dân sự và có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền (kháng nghị của Chánh án hoặc kháng nghị của Viện trưởng VKS).
Sau khi có kháng nghị, hội đồng thẩm phán sẽ xem xét đối với kháng nghị này. Tuy nhiên, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vẫn có thể bị hội đồng thẩm phán tòa án bác bỏ.
Kháng nghị của Chánh án tòa án hoặc kháng nghị của Viện trưởng VKS chỉ là căn cứ để họp hội đồng thẩm phán, còn quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị thuộc về hội đồng thẩm phán theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo quy định của BLTT dân sự năm 2003 trở về trước, quyết định giám đốc thẩm là quyết định cuối cùng, vụ án sẽ kết thúc ở đây.
Tuy nhiên, theo quy định của BLTT dân sự năm 2015, quyết định giám đốc thẩm vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt khi có căn cứ cho thấy có thể có sai lầm trong thủ tục giám đốc thẩm.
Quy định mới này cũng gây nhiều tranh cãi, bởi có người cho rằng, quy định này sẽ mở rộng cơ hội đòi công bằng cho đương sự, để hội đồng giám đốc thẩm phải thận trọng hơn.
Nhưng nó sẽ làm cho vụ án dân sự có thể kéo dài lê thê, không có hồi kết.
“Vụ án ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên có thể sẽ khép lại nếu hội đồng thẩm phán không chấp nhận hủy quyết định giám đốc thẩm.
Nhưng nó cũng có thể sẽ kéo dài lê thê, không biết bao giờ mới kết thúc, nếu như quyết định giám đốc thẩm và bản án phúc thẩm, bản án sơ thẩm bị hủy bỏ để xét xử lại từ đầu”, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/vu-ly-hon-cua-vo-chong-ong-dang-le-nguyen-vu-bao-gio-ket-thuc-809187.html
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam