Bao nhiêu ngân hàng miễn phí dịch vụ tin nhắn SMS?
Thị trường Việt Nam hiện ghi nhận hàng chục ngân hàng hoạt động, tuy nhiên, số nhà băng miễn phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, thị trường hiện ghi nhận 49 ngân hàng đang hoạt động, bao gồm các ngân hàng có vốn Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Dù ghi nhận hàng chục nhà băng hoạt động với chiến lược kinh doanh, thị phần khác nhau, nhưng hầu hết ngân hàng đều có chung quan điểm trong việc tính phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn điện thoại SMS với khách hàng.
Trong đó, phí dịch vụ này chủ yếu được các ngân hàng thu cố định hàng tháng, dao động quanh các mức 5.000 đồng; 9.000 đồng; 10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Đặc biệt, tại một số nhà băng, mức phí duy trì dịch vụ này lên tới 15.000-20.000 đồng/tháng.
2 nhà băng miễn phí dịch vụ SMS
Theo khảo sát của Zing, hiện số lượng ngân hàng miễn phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, HSBC và Hong Leong Bank là 2 đại diện hiếm hoi miễn phí dịch vụ này.
Cụ thể, biểu phí dịch vụ áp dụng từ tháng 4/2020 của HSBC ghi nhận miễn phí dịch vụ ngân hàng qua điện thoại, thuộc nhóm dịch vụ ngân hàng tự động. Các dịch vụ ngân hàng trực tuyến của nhà băng này cũng được miễn phí toàn bộ. Tương tự, Hong Leong Bank cũng đã đưa ra chính sách miễn phí đăng ký và sử dụng hàng tháng với dịch vụ SMS Banking từ lâu.
Ngược lại, toàn bộ ngân hàng thương mại trong nước hiện đều thu phí với dịch vụ này.
Ngoài Vietcombank và BIDV mới thay đổi biểu phí duy trì dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS từ cố định sang tính theo số lượng SMS nhận trong tháng, nhiều ngân hàng khác cũng đang thu phí theo hình thức này.
Thậm chí, Techcombank hiện còn thu phí SMS Banking cao hơn so với mức sau điều chỉnh của Vietcombank và BIDV.
Cụ thể, nhà băng này hiện áp dụng thu phí SMS Banking với khách hàng thường theo các mốc từ 0 đến 15 SMS/tháng, tính phí 12.000 đồng; từ 16 đến 30 SMS/tháng, tính phí 18.000 đồng; từ 31 đến 60 SMS/tháng, tính phí 40.000 đồng và trên 61 SMS/tháng, Techcombank thu phí 75.000 đồng. Mức phí trên chưa bao gồm 10% thuế VAT.
Hầu hết ngân hàng hiện vẫn thu phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS cố định hàng tháng. Ảnh: Quang Thắng. |
Tuy vậy, với khách hàng VIP, Techcombank áp dụng miễn phí toàn bộ dịch vụ qua SMS.
Với khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số của Techcombank, ngân hàng sẽ tự động hủy dịch vụ nhận thông báo biến động số dư qua SMS và thay bằng nhận thông báo số dư trên app Banking (OTT) và không tính phí.
Tương tự, các khách hàng sử dụng dịch vụ nhận thông báo biến động số dư qua SMS của VietinBank cũng sẽ được ngân hàng hủy tự động khi đăng ký các gói tài khoản trên kênh ngân hàng điện tử. Nhà băng này trước đó thu phí tin nhắn SMS ở mức 9.000-14.000 đồng/tháng tùy gói biến động số dư. Tuy nhiên, sau khi đưa ra các gói tài khoản thanh toán, VietinBank đã tự động tắt dịch vụ SMS Banking của khách hàng và chuyển qua nhận thông báo OTT trên app Banking.
Một nhà băng khác không thu phí dịch vụ SMS Banking cố định là TPBank. Tuy nhiên, ngân hàng này không thu theo số lượng SMS khách nhận và tính theo số điện thoại nhận SMS.
Trong đó, với một số điện thoại nhận tin nhắn dịch vụ SMS Banking gói cơ bản, nhà băng này sẽ thu 10.000 đồng/tháng. Mức thu sẽ tăng lên 15.000 đồng/tháng nếu có 2 số điện thoại nhận SMS và 24.000 đồng/tháng nếu có 3 số điện thoại nhận SMS.
Với gói dịch vụ SMS Banking đầy đủ, TPBank thu lần lượt ở mức 20.000 đồng; 30.000 đồng và 48.000 đồng/tháng, tương ứng với 1; 2 và 3 số điện thoại nhận SMS.
Hầu hết ngân hàng thu phí SMS cố định
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng trong nước hiện nay vẫn thu phí thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS cố định hàng tháng.
Trong đó, nhóm có mức phí rẻ nhất hiện này là PVComBank; Kienlongbank cùng thu ở mức 5.000 đồng/số điện thoại/tháng (chưa bao gồm VAT).
Có mức phí cao hơn nhóm này là MSB; Baoviet Bank; NCB; PGBank; CBBank; OceanBank; GPBank; BacABank; CIMB Bank cùng ở mức 8.000 đồng/tháng. Tương tự, ACB; HDBank; Saigonbank; Public Bank hiện thu phí 9.000 đồng/số điện thoại/tháng với dịch vụ thông báo biến động số dư này.
- Biểu phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS Banking:
Ngân hàng | Phí dịch vụ/tháng (chưa gồm 10% VAT) |
HSBC, Hong Leong Bank | Miễn phí |
PVComBank, Kienlongbank | 5.000 đồng |
MSB, Baoviet Bank, NCB, PGBank, CBBank, OceanBank, GPBank, BacABank, CIMB Bank | 8.000 đồng |
ACB, HDBank, Saigonbank, Public Bank | 9.000 đồng |
SHB, SCB, SeABank, Sacombank, Agribank, VIB, OCB, ABBank, VietBank, VietABank, Shinhan Bank | 10.000 đồng |
VPBank, MBBank | 12.000 đồng |
Eximbank | 15.000 đồng |
BIDV | Dưới 16 SMS - 9.000 đồng; 16-50 SMS - 30.000 đồng; 51-100 SMS - 55.000 đồng; trên 101 SMS - 70.000 đồng |
Vietcombank | Dưới 20 SMS - 10.000 đồng; 20-49 SMS - 25.000 đồng; 50-99 SMS - 50.000 đồng; trên 100 SMS - 70.000 đồng |
Techcombank | Dưới 16 SMS - 12.000 đồng; 16-30 SMS - 18.000 đồng; 31-60 SMS - 40.000 đồng; trên 61 SMS - 75.000 đồng |
Mức thu phí phổ biến nhất với dịch vụ SMS Banking được nhiều ngân hàng đưa ra hiện nay là 10.000 đồng/tháng. Trong đó, hàng loạt ngân hàng đã áp dụng mức phí này nhiều năm như SHB; SCB; SeABank; Sacombank; Agribank; VIB; OCB; ABBank; VietBank; VietABank; Shinhan Bank…
Mốc phí tiếp theo là 12.000 đồng/tháng tại VPBank và MBBank.
Tính riêng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, Eximbank là đơn vị thu phí SMS Banking cố định cao nhất với 45.000 đồng/3 tháng/tài khoản, tương đương mức phí bình quân 15.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, Standard Chartered là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thu phí thông báo giao dịch qua tin nhắn SMS cao nhất, ở mức 20.000 đồng/tháng.
Thực tế, việc thu phí thông báo biến động số dư SMS luôn được ngân hàng công bố trong biểu phí dịch vụ. Tuy nhiên, mức phí này gần đây nhận được nhiều chú ý từ khách hàng sau khi Vietcombank thay đổi biểu phí đầu năm 2022.
Cụ thể, thay vì thu mức cố định 10.000 đồng/tháng (chưa VAT) như trước, Vietcombank đã thay đổi biểu phí này tính theo số lượng tin nhắn khách nhận trong tháng, lần lượt ở mức 10.000 đồng nếu dưới 20 SMS; 20 đến dưới 50 SMS, tính phí 25.000 đồng; 50 đến dưới 100 SMS, tính phí 50.000 đồng; từ 100 SMS trở lên, phí tính là 70.000 đồng.
Như vậy, 1 năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS lên tới 840.000 đồng, chưa bao gồm 10% thuế VAT.
Tương tự, BIDV cũng thay đổi biểu phí từ mức 9.000 đồng/tháng cố định thành 9.000 đồng với 0-15 SMS; 30.000 đồng với 16-50 SMS; 55.000 đồng với 51-100 SMS và 70.000 đồng với 101 SMS trở lên.
(Theo Zing)
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine