Bao phủ bảo hiểm xã hội để lấp "khoảng trống" an sinh
Các dữ liệu cho thấy, với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tới mọi người lao động, thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có tới 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Ðây là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Già hóa dân số nhanh trong khi tốc độ bao phủ bảo hiểm xã hội chậm có thể phát sinh một thế hệ người Việt Nam phải vừa nuôi dưỡng con cái, vừa chăm sóc bố mẹ không có lương hưu. Ðây là những khuyến cáo được đưa ra tại hội thảo "Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau", do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức mới đây.
Gánh nặng từ khoảng trống an sinh…
Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người hơn 65 tuổi, chiếm 8,3% dân số và dự kiến đến năm 2036 sẽ có khoảng 15,5 triệu người, chiếm 14,1%. Tại hội thảo, chuyên gia André Gama (ILO) đánh giá dân số Việt Nam đang già hóa nhanh sẽ là áp lực lớn lên thế hệ lao động trẻ hơn, mà chuyên gia này gọi là "bánh mì kẹp". Thuật ngữ chỉ những lao động tuổi trung niên (40 đến 50 tuổi), vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già, vừa nuôi con nhỏ và lo cho chính mình.
Do gánh nhiều trọng trách, thế hệ "bánh mì kẹp" sẽ khó bảo đảm năng suất lao động, họ mất đi cơ hội thăng tiến, tích lũy, bảo đảm thu nhập lúc về già. Ðồng thời, vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại: Trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, bệnh tật. Ðiều này sẽ khiến Việt Nam chịu áp lực lớn về chi phí y tế, an sinh xã hội. "Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về an sinh xã hội, nâng diện bao phủ bảo hiểm xã hội thì tương lai có tỷ lệ lớn người cao tuổi không được hưởng bất cứ chế độ hưu trí nào, đặt gánh nặng lên vai con cái họ", ông André Gama khuyến cáo.
Trong thiết kế chính sách hưu trí của Việt Nam, chuyên gia của ILO cho rằng, có một nhóm bị bỏ sót là những người từ 60 đến 79 tuổi không thuộc diện nghèo, không có lương hưu lẫn trợ cấp xã hội. Phần lớn họ sẽ tiếp tục làm việc hoặc dựa vào chu cấp từ con cái. Họ nằm giữa nhóm người được hưởng lương hưu và nhóm hơn 80 tuổi có trợ cấp xã hội. Và, Việt Nam cần nhanh chóng thu hẹp khoảng trống cực lớn này.
Cùng với đó, mức trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi đã được điều chỉnh, song chỉ nhỉnh hơn một chút so với chuẩn nghèo và chưa thể bảo đảm cho người già có mức sống ổn. Tỷ lệ chi 0,15% GDP dành cho trợ cấp xã hội năm 2020 của Việt Nam rất thấp so với các nước phát triển tương đồng trong khu vực. Chính vì vậy, Nhà nước cần tính tới phương án giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội so với 80 tuổi hiện hành, địa phương tùy vào điều kiện để nâng trợ cấp xã hội so với quy định chung để tăng bao phủ an sinh xã hội.
Bao phủ an sinh bằng bảo hiểm xã hội
Tại hội thảo, chuyên gia an sinh xã hội Nuno Cunha của ILO đánh giá, diện bao phủ an sinh xã hội lẫn mức hưởng của Việt Nam còn thấp, có thể dẫn tới tương lai hàng chục triệu người già không có lương hưu. Trên thực tế, không hẳn người lao động không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, mà do không có quan hệ lao động, làm việc tự do, trong khi điều kiện đóng bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng lao động hoặc quan hệ lao động. Ngoài ra, mức chi cho an sinh xã hội của Việt Nam thấp, chỉ khoảng 4% GDP, trong khi mức trung bình khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương là 8%, thế giới là 13%.
Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần thiết kế chính sách khoa học để thu hút lao động tham gia, hệ thống càng minh bạch thông tin càng tốt; nhất là khâu quản lý dữ liệu, có mã số định danh của một người để biết họ đóng thuế, tham gia bảo hiểm xã hội thế nào... "Kinh nghiệm quốc tế chỉ rõ, bảo hiểm xã hội tự nguyện không thể bảo đảm bao phủ an sinh xã hội, cho nên bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn là chìa khóa để "không ai bị bỏ lại phía sau", ông Nuno Cunha nhấn mạnh. Như hiện nay tại Bồ Ðào Nha, trẻ em sinh ra đều có mã số định danh cá nhân, thông tin về an sinh xã hội, thuế... sẽ theo người đó cả cuộc đời, lao động tự do bắt buộc đăng ký vào hệ thống bảo hiểm xã hội.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, cần bao phủ an sinh xã hội bằng cơ chế khuyến khích mọi người dân có thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội, chứ không chỉ là người có hợp đồng lao động hoặc quan hệ lao động. Trên thực tế, chỉ khoảng 60% lao động có ký kết hợp đồng; việc đặt ra tiêu chí này khiến cho diện bao phủ bảo hiểm xã hội càng khó khăn, khi có tới 2/3 lực lượng là lao động phi chính thức, không có hợp đồng; cùng với đó còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng hưu trí hay trợ cấp xã hội. Nguồn thu nhập của 38% người già Việt Nam phần lớn vẫn từ hỗ trợ của con cái, 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng lương hưu và 10% nhận trợ cấp xã hội…
Theo ông André Gama, việc gia tăng cơ hội tạo việc làm hiệu quả và thỏa đáng không chỉ giúp giảm nghèo mà còn góp phần cung cấp tài chính bền vững cho các hệ thống an sinh xã hội. Trong thực tế, người lao động chỉ có thể tham gia đầy đủ vào hệ thống bảo hiểm xã hội khi có việc làm ổn định. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng hay triển khai các chính sách an sinh xã hội liên kết và phối hợp các lĩnh vực chính sách công khác. Trên thực tế, các chính sách và kết quả về việc làm và an sinh xã hội phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, là cốt lõi của công việc thỏa đáng và là chìa khóa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí