“Bão” tiêu cực quét qua ngành Y tế: Bài học nào cho công tác cán bộ?
Theo các chuyên gia thì công tác lựa chọn cán bộ đối với ngành Y tế đang gặp vấn đề, do đó cần phải quy định cụ thể các tiêu chí riêng để tìm được người phù hợp ngồi vào vị trí lãnh đạo.
Ngành Y muốn tốt, tư lệnh ngành phải “sạch sẽ”
Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt chú ý đến vụ việc khởi tố ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch thành phố Hà Nội). Hai vị này bị khởi tố liên quan đến vụ việc kit test xét nghiệm của Việt Á.
Về sai phạm của ông Nguyễn Thanh Long, trước Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội - bà Nguyễn Thị Thanh thông tin: “Theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, ông Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, can thiệp tác động hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đối với bộ kit xét nghiệm; ban hành các thông báo giá sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19 trái quy định”.
Ngành Y tế cần phải có lãnh đạo vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vừa có y đức. Ảnh: VnExpress.
Vụ việc ông Long bị cách chức Bộ trưởng và sau đó bị khởi tố cho thấy vấn đề công tác cán bộ, đặc biệt công tác cán bộ đối của ngành Y tế thời gian qua là không đạt yêu cầu. Có quá nhiều lãnh đạo ngành, sở, bệnh viện bị kỷ luật, bị khởi tố vì dính đến các vụ án tiêu cực, tham nhũng như Nguyên Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)….
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, mỗi cán bộ y tế bị bắt đều cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng rất cao của Đảng và Nhà nước. Nhưng điều đó cũng thấy được hiện công tác lựa chọn cán bộ đối với ngành Y tế cũng chưa đúng như kỳ vọng của người dân.
“Ngành Y phải chọn cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Giỏi chuyên môn và đạo đức tốt. Ngoài ra, cần phải đào tạo thêm về công tác quản lý, được giám sát chặt chẽ tránh tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới sai phạm” - ông Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến.
Liên quan đến các vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Phan Xuân Xiểm - nguyên hàm vụ trưởng vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, việc lãnh đạo ngành Y bị khởi tố và liên tiếp trong thời gian ngắn nhiều cán bộ trong y tế cũng bị khởi tố thì rõ ràng về mặt quản lý đã không đạt. Sự việc khởi tố ông Nguyễn Thanh Long ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác cán bộ.
Cũng theo ông Phan Xuân Xiểm, việc chọn cán bộ đối với y tế phải chọn người có tu dưỡng, trách nhiệm. Ngành y tế liên tục để xảy ra các sự cố như vậy thì nhân việc này cần xem xét lại công tác tổ chức đối với ngành này.
“Đừng để các vụ việc tiêu cực tương tự tiếp tục xảy ra. Muốn xây dựng ngành Y tế trong sạch thì trước hết phải chọn người đứng đầu, tư lệnh ngành là người “sạch sẽ”. Đừng để khi sự việc xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân như vậy là làm mất hình ảnh của ngành Y đối với nhân dân” - ông Phan Xuân Xiểm nêu ý kiến.
Công tác cán bộ đang có vấn đề
Cũng bàn luận về công tác cán bộ của ngành Y tế, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành Y tế bị khởi tố do tiêu cực điều này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác cán bộ.
“Có khi chúng ta đưa giáo sư giỏi về chuyên môn lên làm lãnh đạo nhưng khả năng quản lý một ngành, một bệnh viện lại đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nữa. Có thể người đó rất giỏi chuyên môn trong y tế nhưng lại kém trong khâu quản lý. Việc chọn lãnh đạo của ngành Y tế thực tế cho thấy rất khó vì vừa phải có người giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có y đức, đạo đức nhưng đồng thời phải có khả năng quản lý ngành” - ông Lê Như Tiến bình luận.
Cũng theo vị này, việc lựa chọn cán bộ cho một ngành nào đó cần có các tiêu chí nhất định, tiêu chí đó do các cơ quan liên quan đến tổ chức cán bộ nghiên cứu để đề ra. Mỗi ngành cần phải có tiêu chí riêng của ngành đó.
“Tôi mong rằng, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng cùng đưa ra các tiêu chí chuẩn mực để lựa chọn cán bộ. Không thể để tình trạng lựa chọn cán bộ được thời gian ngắn lại vướng vào vòng lao lý, kỷ luật do sai phạm.
Đây là bài toán cực kỳ khó nhưng phải giải được mà trách nhiệm thuộc về công tác tổ chức của Đảng và công tác cán bộ của Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra và công tác giám sát của cơ quan dân cử như Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Không phải chỉ ngành Y tế đâu mà nhiều ngành cũng đặt ra vấn đề này” – ông Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm.
Theo ông Lê Như Tiến, đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vào các ngành ở Trung ương hay tiêu chuẩn để bổ nhiệm cán bộ làm người đứng đầu địa phương thì phải có chuẩn mực rất rõ, không nên có tiêu chuẩn chung chung như đạo đức, năng lực cao…
“Nếu tiêu chuẩn vẫn chung chung thì không bao giờ tìm được người thực sự có thể gánh vác được công việc. Cũng cần thay đổi cách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ như thay vì ngồi ở phòng lạnh xem hồ sơ, xem các báo cáo thành tích thì nay cần đưa các ứng viên lãnh đạo vào các hoạt động thực tiễn trong thời gian dài rồi đánh giá” - ông Lê Như Tiến góp ý.
Liên quan đến sai phạm mà nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành Y tế đang gặp phải, ông Lê Như Tiến cho rằng do các cá nhân này không tuân thủ pháp luật, bất chấp quy định dẫn đến sai phạm và dính vào con đường lao lý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từng cho rằng, cán bộ ý thức pháp luật, đạo đức kém cũng là nguyên nhân dẫn đến sa ngã.
“Kim ngân phá lề luật, lợi ích nhóm... Trong vấn đề y tế thì lợi ích nhóm nhiều, có thể nói nhiều cán bộ lợi dụng vị trí để tham nhũng. Tòa án từng nhận định, quá trình thực hiện nhập khẩu thuốc H-Capita (thuốc điều trị ung thư giả) rõ ràng các bị cáo có cấu kết chặt chẽ” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Ngoài ra theo chuyên gia này thì công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra không vào cuộc kịp thời. Lẽ ra song song với việc triển khai các hoạt động mua sắm là công tác giám sát phải làm ngay, có gì uốn nắn để tránh sai sót. “Hiện nay đang có tình trạng chạy theo vụ việc, đáng lẽ nếu chặt chẽ từ đầu thì hậu quả sẽ không trầm trọng đến vậy. Để cho sai phạm như “ung thư” di căn, đã quá lâu nên khi bung bét ra thì hậu quả lại quá lớn” - Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Nguồn https://congluan.vn/bao-tieu-cuc-quet-qua-nganh-y-te-bai-hoc-nao-cho-cong-tac-can-bo-post198393.html
- Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra việc khám, cấp giấy khám sức khỏe lái xe
- Diễn viên Thúy An trải lòng về hành trình đi sinh đầy hạnh phúc
- Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
- Hà Nội yêu cầu các cơ sở không kinh doanh, sử dụng thuốc Voltarén 75mg giả
- TP. HCM thông tin về lô vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ từ 6-12 tuổi hết hạn sử dụng
- Bộ Y tế hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
- Đau mắt đỏ ở trẻ hậu Covid-19: Chớ chủ quan, tự chữa tại nhà
- Đợt dịch 4 Hà Nội ghi nhận 1.596.748 ca Covid-19
- Thông tin mới nhất về 'thuốc giả Molnupiravir phát hiện tại Thụy Sĩ trên nhãn có thông tin tiếng Việt'