Bảo vệ cán bộ bằng “thành trì” luật pháp
Việc sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là rất cần thiết ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các quy định cần tương thích, phù hợp, chi tiết, rõ ràng với từng nhóm đối tượng để đảm bảo tính khả thi, làm rõ ranh giới giữa sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Việc sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là rất cần thiết ở thời điểm hiện nay. (Ảnh minh họa: PC) |
Ranh giới giữa "đúng” và “sai" chưa được minh định
Năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận này có ý nghĩa mở đường, là nền tảng tư tưởng để tiến tới sửa đổi các quy định pháp luật và cách diễn giải luật của cơ quan tư pháp nhằm khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá bằng thành trì luật pháp.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa chính sách, làm cơ sở cho các cấp, ngành cùng triển khai thực hiện thì chưa có. Do đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương nêu trên là rất cần thiết, kịp thời nhằm chấn chỉnh và thống nhất một trong những chủ trương có tính căn bản về công tác cán bộ giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, trong thực tế, mặc dù đã có một số quy định của pháp luật về bảo vệ cán bộ nói chung như: Quyền "được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ" (khoản 5 Điều 11 Luật cán bộ, công chức) hoặc quy định cán bộ, công chức được hưởng "các quyền khác theo quy định của pháp luật" (Điều 14 Luật cán bộ, công chức)… Tuy nhiên, các quy định đó còn chung chung, không xác định rõ nội hàm là đối tượng được bảo vệ đối với chủ thể, trong đó chưa có quy định trực tiếp về vấn đề theo Kết luận 14.
TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chưa hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định của pháp luật như vậy rõ ràng không có đủ cơ sở thực hiện việc khuyến khích cán bộ, công chức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cũng không có cơ sở bảo vệ họ; bên cạnh đó cũng chưa có quy định của pháp luật để làm căn cứ xác định trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật…
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa trao đổi, trong công việc có làm thì sẽ có đúng và có cả sai. Nhưng hiện nay không ít cán bộ đang chùn bước, không dám làm vì sợ sai, sợ bị xử lý. Nhiều cán bộ chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật để làm, không dám sáng tạo nghĩ ra kế sách, quyết sách có lợi cho nước, cho dân. “Có lợi cho nước cho dân mà bị ràng buộc, bị xử lý bởi các quy định pháp luật thì đúng là khó làm. Bởi vậy, cần phải có những cơ chế phù hợp tạo điều kiện khách quan để cho các cán bộ dám nghĩ, dám làm” – ông Phạm Văn Hòa nói.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm, nhiều cán bộ có tư duy mới, dám đột phá nhưng không được khuyến khích, bảo vệ do ranh giới giữa "đúng” và “sai" chưa được minh định. Thậm chí, một số trường hợp khi thể hiện tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm còn bị cô lập ngay tại cơ quan mình công tác. Do đó, nếu không có cơ chế bảo vệ, khuyến khích sẽ khiến một bộ phận cán bộ nhụt chí, không dám đổi mới sáng tạo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho rằng, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung là cần có "liều vaccine đặc trị" để áp chế “con virus sợ trách nhiệm” với nhiều “biến chủng” khác nhau.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định trong từng lĩnh vực
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, Kết luận 14 mới là chủ trương của Đảng, không thể trực tiếp áp dụng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong Nhà nước pháp quyền thay thế pháp luật. Do đó, Nghị định quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung có thể coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ vì sự phát triển của đất nước.
Theo dự thảo, Nghị định gồm 15 điều, quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, trình tự thực hiện và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Theo đó, khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.
Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đối với người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Đáng chú ý, cùng với các hình thức khen thưởng cụ thể thì những cán bộ dám nghĩ, dám làm được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện, nhưng khi thực hiện xảy ra thiệt hại cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại.
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, đối với những người có ý thức trách nhiệm, ý thức tuân thủ thì các quy định sẽ là "bảo bối" để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có năng lực, có phẩm chất, có cống hiến thực sự, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ có tài năng, có đạo đức và trách nhiệm phục vụ Nhà nước, phục vụ Nhân dân. Ngược lại, các quy định của pháp luật có thể bị một số kẻ thoái hóa, biến chất tận dụng thành công cụ để giải thích, bảo vệ, bao che cho những cán bộ, công chức tha hóa, sai phạm.
Do đó, Nghị định khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; quản lý cán bộ, công chức, tạo cơ sở phát huy sức mạnh trong đội ngũ cán bộ giàu năng lực, có phẩm chất lâu nay chưa được kích hoạt. Muốn thế, dự thảo Nghị định cần phải được lấy ý kiện rộng rãi, đa chiều, tạo ra sự đồng bộ về pháp luật cho việc đánh giá, cất nhắc, đề bạt cán bộ đúng đắn, chất lượng. Đặc biệt, sẽ góp phần tạo ra chính sách, pháp luật giúp các cấp, các ngành phát hiện, thu hút, trọng dụng, bảo vệ và bảo đảm cho việc sử dụng hiền tài, xây dựng hệ thống "nguyên khí" quốc gia.
Góp ý vào dự thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định; bảo đảm điều kiện áp dụng, đúng đối tượng, trình tự theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ mọi cán bộ có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, pháp luật.
Luật sư Bùi Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đề xuất, cơ chế bảo vệ cần phải nhất quán, xuyên suốt trong quá trình các đề xuất, sáng kiến, kế hoạch được triển khai để cán bộ, công chức yên tâm thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ chế trong dự thảo Nghị định cần có quy định rõ ràng, chi tiết hơn để phân biệt, làm rõ ranh giới giữa sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và cần phải nghiên cứu cho đồng bộ với những quy định liên quan.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm là vấn đề rất khó. Ở mỗi vị trí khác nhau như cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan hành chính; cán bộ, công chức làm công tác nghiên cứu khoa học hay làm việc trong doanh nghiệp nhà nước… thì đòi hỏi về sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cũng khác nhau. Do đó, các quy định về cơ chế, chính sách cần tương thích, phù hợp với từng nhóm đối tượng để bảo đảm tính khả thi.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những quy định mới trong Nghị định rất tích cực, tiến bộ nhưng chưa đủ mạnh để thúc đẩy cán bộ dám vượt qua những thách thức. Bởi lẽ, quy định là vậy nhưng việc thực hiện quy định lại phụ thuộc nhiều yếu tố rất phức tạp, khiến mỗi cán bộ sẽ hết sức thận trọng. Để ý thức, tinh thần dám đột phá, sáng tạo luôn thường trực trong suy nghĩ của mỗi cán bộ thì phải từng bước hoàn thiện quy trình công tác cán bộ, bảo đảm vận hành khách quan, giảm thiểu sự chi phối của ý chí chủ quan. Khi đó, các thành tích cá nhân sẽ được đánh giá, ghi nhận, ban thưởng kịp thời, xứng đáng và tự khắc đột phá, sáng tạo sẽ luôn xuất hiện.
Cùng với việc hoàn thiện Nghị định này, để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ và dám làm một cách thực chất thì Nhà nước phải tháo bỏ những mối lo sợ luôn đè nặng trong tâm trí cán bộ bằng sự rõ ràng, tường minh và không thể diễn giải khác của các quy định pháp luật. Theo đó, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định trong từng lĩnh vực để vừa bịt lỗ hổng quản lý, tạo điều kiện cho phát triển, vừa để người thực hiện nhiệm vụ an tâm và phục vụ nhân dân tốt hơn…/.
Miễn xử lý trách nhiệm nếu thuộc 1 trong 7 tình huống Theo dự thảo Nghị định, trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không đạt, hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu thuộc 1 trong 7 tình huống. (1) Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; (2) Cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; (3) Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại; (4) Cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất; (5) Cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; (6) Cán bộ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt; (7) Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời. Được biết, theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 4/2023, dự thảo Nghị định này phải hoàn thành. Sau khi lấy ý kiến các Sở Nội vụ các tỉnh phía Bắc, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo ở miền Trung, Nam để lắng nghe ý kiến đóng góp của các địa phương, hoàn thiện dự thảo, sau đó, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. |
Nguồn: https://dangcongsan.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo