Bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi người tiêu dùng
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào ngày 20-6-2023, với nhiều nội dung, quy định, sửa đổi tiến bộ được các doanh nghiệp và người dân quan tâm, đặc biệt là các nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ hơn, từ đó thực thi đúng các quy định pháp luật.
Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
- Ông đánh giá thế nào về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay?
- Từ khi chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến nay, đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng được lựa chọn hàng hóa dễ dàng hơn, dân chủ hơn, được bảo đảm quyền lợi tốt hơn theo xu thế mua bán văn minh, hiện đại. Đây là những ưu điểm của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chúng ta có thị trường rất lớn hàng trăm triệu dân, riêng giao dịch thương mại điện tử 9 tháng năm 2024 đã đạt khoảng 227 nghìn tỷ đồng, do đó, không tránh khỏi việc quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người tiêu dùng.
- Theo ông, những bất cập trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là gì?
- Các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ… có tiếng nói đối với người tiêu dùng chưa đủ sức mạnh. Ngoài ra, điều kiện hoạt động của những tổ chức này cũng hết sức khó khăn, cùng nhiều nguyên nhân khách quan như tâm lý trì trệ của phần đông người tiêu dùng, chế tài còn có bất cập..., nên việc xử lý triệt để mọi vấn đề không dễ.
Có thể thấy, quyền uy và trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta là không nhiều. Ở các nước, trách nhiệm của hội là nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, trong nghị định về các hội không có quyền hạn và nhiều người tiêu dùng còn chưa biết đến vai trò của những cơ quan này.
Tuy nhiên, với tình hình hoạt động hết sức khó khăn như hiện tại, phải thấy rằng các cơ quan, hiệp hội cũng đã cố gắng hết sức để phát huy được vai trò bảo vệ người tiêu dùng của mình.
- Hiện vẫn còn không ít người tiêu dùng ngại khiếu nại, khiếu kiện, lên tiếng để đòi quyền lợi chính đáng, vì sao thưa ông?
- Như đã nói ở trên, các kiến thức về bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa am hiểu nên việc khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng khó có thể đạt được kết quả tốt nhất. Khi chưa đạt được kết quả tốt thì lại càng ngại đi khiếu nại, khiếu kiện. Thậm chí, có người còn không biết là trong những trường hợp nào thì được pháp luật bảo vệ.
Nguyên nhân thứ hai là quy trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện còn phức tạp. Ở nước ta, chúng ta rất ít dùng đến trọng tài kinh tế, tòa án kinh tế. Người tiêu dùng vẫn có tâm lý “chờ được vạ thì má đã sưng", chạy 10 quãng đồng để khiếu nại 10 gói bim bim kém chất lượng chẳng hạn thì không ai muốn.
- Vậy xin ông cho biết, tình trạng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của thị trường?
- Tâm lý ngại khiếu kiện của người tiêu dùng chắc chắn sẽ có hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. Có thể sẽ xuất hiện tâm lý chuộng hàng ngoại hơn hàng nội, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Mặt khác, người tiêu dùng nếu ngại lên tiếng bảo vệ chính mình cũng đồng nghĩa với việc vô tình bao che cho những hành vi gian lận, khiến những hành vi này dễ dàng được nhân rộng vì không bị ai kiểm soát. Cơ quan chức năng không nắm được thông tin, không vào cuộc xử lý được thì sẽ không thể ngăn chặn gian thương, thị trường vì thế chắc chắn diễn biến tiêu cực, lại tiếp tục ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người tiêu dùng.
- Để hiểu rõ và thực thi đúng các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và giao dịch xuyên quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ cũng như người tiêu dùng cần lưu ý gì, thưa ông?
- So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã bổ sung thêm Chương III. Chương này quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều quy định, điểm đáng chú ý như: Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng... Bên cạnh đó, còn các quy định về việc cung cấp thông tin, tài liệu giao dịch cho người tiêu dùng; hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; bảo hành; sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; chất lượng dịch vụ. Những quy định về việc giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được quy định rất rõ ràng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết
- Không khoan nhượng với tội phạm buôn bán người
- Hồi sinh lụa La Khê