Bảo vệ rừng đặc dụng Hương Sơn: Cần sớm có giải pháp di dời người dân
Hơn 500 hộ dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) sinh sống ổn định nhiều đời nay trong rừng đặc dụng Hương Sơn cũng như khu vực Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn đang gặp nhiều khó khăn vì vướng quy định pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ di tích.
Để ổn định cuộc sống người dân, bảo vệ rừng và di tích, cần thiết thực hiện di dời người dân ra khỏi khu vực này.
Các hộ dân tại xóm 18, thôn Phú Yên, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) nằm trong khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn.
Cuộc sống gặp nhiều khó khăn
Nằm bên con suối Tuyết Sơn ở xóm 18, thôn Phú Yên, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) có 7 nóc nhà ở quây quần. Trải qua đợt ngập sâu sau trận mưa cuối tháng 7 vừa qua, trên tường nhiều ngôi nhà vẫn còn ngấn nước. Ngôi nhà của ông Hồ Văn Đông không có vật dụng gì đáng giá. Đáng chú ý nhất là trong 2 phòng ngủ, gia chủ kê cao 2 giường đến gần 1m để tránh ngập.
Ông Đông kể: Bao đời nay, dân làng vẫn sống chung với lũ lụt, đói nghèo. Tuy sống bằng nông nghiệp, nhưng mỗi nhân khẩu chỉ được chia hơn 200m2 ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Giờ bị quy hoạch vào rừng đặc dụng Hương Sơn, nằm trong khu vực Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn nên mọi hoạt động của người dân đều bị hạn chế...
Trưởng thôn Phú Yên Vũ Hải Lưu cho hay: Riêng thôn Phú Yên có khoảng 30 hộ có nhà nằm trong rừng đặc dụng; chưa kể còn vài chục hộ khác thường xuyên làm vườn ở trong rừng. Người dân đã sinh sống nhiều đời, có hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhưng nay lại bị nằm trọn trong rừng đặc dụng nên không được xây dựng mới nhà ở, thậm chí việc di chuyển đá, cây cối để làm đường đi cũng không được phép...
“Con đường dẫn vào xóm trước kia là đường mòn lầy lội, mới được đổ bê tông cuối năm 2022 (theo Chương trình xây dựng nông thôn mới), nhưng cũng chỉ vừa 2 xe máy tránh nhau. Nhà cửa xập xệ, hạ tầng tạm bợ, mỗi năm người dân sống chung triền miên với 3-4 đợt ngập lụt nên đời sống rất bấp bênh. Người dân mong muốn được di dời đến nơi ở mới để cuộc sống bớt phần nhọc nhằn”, ông Vũ Hải Lưu nói.
Thừa nhận thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Nguyễn Văn Dương cho biết, năm 2014, rừng đặc dụng Hương Sơn mới được cắm mốc giới và theo rà soát bước đầu, có 534 hộ sinh sống trong rừng. Nhiều năm qua, người dân liên tục đề nghị cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ, lập dự án cho phép các hộ được chuyển đến nơi ở mới, nhưng chưa có nội dung trả lời cụ thể.
Cần sớm có kế hoạch
Là đơn vị quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 9 Nguyễn Đức Châu thông tin, thời điểm thành lập rừng đặc dụng Hương Sơn (năm 1994) không có bản đồ, không có mốc giới. Hiện chưa có tài liệu đầy đủ để khẳng định thời điểm 534 hộ sinh sống trong rừng. Theo quy định pháp luật, mọi hành vi tác động đến rừng đều bị nghiêm cấm. Việc các hộ sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn đang gây ảnh hưởng đến rừng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm số 9, thực hiện Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18-2-2022 của UBND thành phố Hà Nội về chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, Hạt Kiểm lâm đang rà soát giai đoạn 1; thời gian tới, khi thực hiện giai đoạn 2 mới rà soát từng hộ cụ thể về diện tích sử dụng, thời điểm sinh sống... Dự kiến có 2 định hướng, một là sẽ khoanh vùng các hộ đang sinh sống trong rừng, chuyển khu vực này thành rừng sản xuất; hai là thực hiện di dời các hộ ra khỏi rừng. Đây là việc rất khó, song phải làm dứt điểm.
Về ý kiến các hộ dân đề nghị được di dời khỏi rừng đặc dụng Hương Sơn, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, tổng diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng trên địa bàn huyện Mỹ Đức khoảng 5.000ha, riêng rừng đặc dụng Hương Sơn chiếm hơn 3.400ha. Số hộ dân đang sinh sống trong rừng phần lớn là người dân xã Hương Sơn, rải rác có thêm người dân ở một số xã lân cận… Cùng với đó, Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn có 21 điểm di tích nằm trải dài trong rừng. Do vậy, di dời các hộ dân là việc cần sớm phải xem xét, tính toán.
Hiện nay, UBND huyện Mỹ Đức đang trong quá trình triển khai Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 13-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn, nên trước mắt sẽ quản lý các hộ theo hiện trạng. Sau khi lập xong kế hoạch và được cấp thẩm quyền phê duyệt mới triển khai các bước tiếp theo…
Trước thực trạng đời sống tạm bợ, bấp bênh, thường xuyên sống chung với lũ lụt; cũng như với yêu cầu về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; bảo vệ Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn, việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn và quần thể di tích là cần thiết. Đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch để người dân yên tâm tạo lập cuộc sống mới; cũng như bảo vệ trọn vẹn, an toàn rừng và di tích, danh lam thắng cảnh.
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3