Bắt cựu Chủ tịch TP Hạ Long và chuyện 'gia sản' cán bộ sai phạm
Vụ khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà, cựu Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cựu Chủ tịch TP Hạ Long khiến nhiều người ngỡ ngàng về 'gia sản' liên quan đến ông, từ biệt thự mặt tiền đến dàn 4 xe sang bị tạm giữ.
Ông Phạm Hồng Hà bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Có thể những vi phạm kỷ luật ở cấp chủ tịch huyện, thành phố thuộc tỉnh như ông thực tế có nhiều, dư luận cũng không mấy ồn ào. Nhưng với ông Phạm Hồng Hà, cựu Trưởng ban Quản lý vịnh, cựu Chủ tịch TP Hạ Long, quá trình khám xét lại thu hút sự chú ý, hiếu kỳ của đông đảo người qua đường bởi hình ảnh biệt thự hiện đại, cây cảnh tầm cỡ và dàn xe sang bị tạm giữ.
Quá trình các lực lượng chức năng khám xét, những người dân kéo đến vì hiếu kỳ càng đông, nhất là khi lực lượng chức năng phải huy động các xe kéo đến vận chuyển 4 xe ô tô hạng sang thuộc diện niêm phong, tạm giữ.
Công an niêm phong xe sau bắt giữ cựu Chủ tịch TP Hạ Long. Ảnh: Phạm Công
Nhìn ở góc độ gia sản, từ biệt thự ông ở và dàn xe sang bị tạm thu giữ sau khi cơ quan tố tụng khởi tố, bắt tạm giam ông, những tài sản đó là niềm mơ ước của nhiều người trong cả quá trình công tác, kinh doanh, làm ăn chân chính.
Còn nếu nhìn từ góc độ cán bộ, công bộc của dân, nhiều người không khỏi xuýt xoa, sao nhiều tài sản giá trị bị niêm phong, tạm giữ đến vậy?.
Căn biệt thự nơi ông Phạm Hồng Hà ở nằm trên đường Trần Quốc Nghiễn, diện tích khoảng 400m2, đã có ý kiến về giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng, quả là tài sản lớn. Căn biệt thự này có thể chẳng kém cạnh với những biệt phủ bề thế của người này, người kia mà dư luận thời gian qua từng xôn xao.
4 ô tô từ nhà ông Phạm Hồng Hà bị cẩu đi để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Phạm Công
Ngoài ra, những thứ người dân chứng kiến từ quá trình khám xét, đó là cơ quan chức năng đã niêm phong 4 xe ô tô để phục vụ công tác điều tra.
Chưa biết “của chìm” nhiều cỡ nào?, nhưng hình ảnh căn biệt thự xa hoa, nhiều cây cảnh loại hiếm và quý, cùng loạt ô tô hạng sang bị niêm phong, tạm giữ sau khi bắt ông Phạm Hồng Hà khiến nhiều người xuýt xoa, hoài nghi.
Trong số 4 chiếc xe này có 1 chiếc SUV nhãn hiệu Lexus LX570 có giá mua mới ở thời điểm hiện tại khoảng từ 8 - 10 tỷ đồng tùy phiên bản; 1 chiếc Lexus ES250 giá mua mới từ 2,6 tỷ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA2.0 giá mua mới từ 1,2 tỷ đồng; 1 chiếc Mercedes E300 giá mua mới từ gần 2,9 tỷ đồng.
Ảnh: Phạm Công
Xét về mức độ giàu sang, thành đạt, nhiều người trong xã hội sở hữu khối tài sản lớn hơn vậy, trong đó có rất nhiều doanh nhân “ăn nên làm ra” hoặc cũng có người buôn bán rồi gặp thời mà phất.
Trở lại vụ án mà ông Phạm Hồng Hà “dính” tới, liên quan đến quãng thời gian ông làm Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Được biết, từ 2017 - 2021, Công ty Cổ phần quản lý đường sông số 3 tham gia ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục đường thủy nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.
Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần quản lý đường sông 3 có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Đồng thời, thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, có thể CQĐT xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Vẫn theo ông Cường, đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long, CQĐT sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhìn vào quá trình công tác của ông Phạm Hồng Hà, về cơ bản đều gắn với làm cán bộ, công chức, trong đó đã đảm nhận các chức vụ Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, Chủ tịch TP Hạ Long.
Nay trong một vụ án được dư luận quan tâm, sau khi cơ quan chức năng khởi tố một số nhân vật là lãnh đạo, nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long về hành vi “Nhận hối lộ”; với ông Phạm Hồng Hà, là hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chuyện đúng, sai cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ phán xét. Đặc biệt, sẽ xác định nguồn gốc số tài sản kếch xù bị niêm phong, thu giữ này.
Nguồn https://vietnamnet.vn/bat-cuu-chu-tich-tp-ha-long-va-chuyen-gia-san-can-bo-sai-pham-2019946.html
- Bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh
- Tuyên phạt 54 năm tù cho 6 bị cáo lưu hành tiền giả
- Bắt Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm nhận hơn 2 tỷ đồng tiền hoa hồng từ Công ty Việt Á
- Lật tẩy thủ đoạn của đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia
- Cựu Chủ tịch Tổng Công ty VEAM bị tuyên phạt 11 năm tù
- Cảnh báo trò giả mạo website của Bộ Công an để lừa đảo
- Cây cảnh "khủng" nhà nguyên Chủ tịch TP Hạ Long có bị niêm phong, kê biên?
- Những ‘nhân vật bí ẩn’ vụ cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị xét xử
- Đề nghị xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho Việt Á nâng khống giá kit test