Bắt mạch dòng tiền
Chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng phát đã tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh biến động này, dòng tiền đang “tá hỏa” chạy loạn khắp các thị trường.
Hai tuần nay, thị trường hàng hóa thế giới đối mặt với giá cả tăng chóng mặt. Rủi ro chiến sự đã dẫn dụ dòng tiền đầu tư nghĩ đến “găm giữ” các loại hàng hóa, kim loại quý. Theo đó, giá dầu thô tăng mạnh có thời điểm còn chạm mức cao nhất trong 8,5 năm là 112,51 USD/ thùng. Chỉ số USD Dollar Index lên mức cao nhất trong 1,5 năm qua. Còn giá vàng rạng sáng 3/3 (giờ Việt Nam) niêm yết tại Kitco là 1.929,4 USD/ounce, đưa giá vàng trong nước vượt ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.
Trái ngược với việc tích trữ hàng hóa, dòng tiền lại “cuống cuồng” chạy khỏi thị trường tài chính khi chỉ số chứng khoán các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Á cả tuần nay ngập chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu các ngân hàng trên thế giới đồng loạt lao dốc. (Giảm mạnh nhất phải kể đến các ngân hàng của Nga khi nước này chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ phương Tây). Tuy nhiên, sau một tuần bốc hơi vì lo chiến sự, đồng tiền ảo đã đảo ngược lấy lại được vị thế quay đầu tăng mạnh khi nhiều người dân Nga vội vã rút tiền Rúp qua ATM hay chuyển đổi sang mua tiền số bitcoin.
Thế giới là vậy, còn thị trường Việt Nam, dòng tiền đang chạy đi đâu? “Bắt mạch” cho thấy: trước bối cảnh dịch bệnh COVID đang diễn ra căng thẳng, dòng tiền có nhiều dấu hiệu vẫn ngập ngừng chưa muốn chạy thẳng vào sản xuất. Thị trường vàng với giá chênh tăng thêm gần 5 triệu đồng/lượng chỉ sau hơn 1 tháng khiến nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt chốt lời bán ra chứ không mua vào. Dòng tiền có thể đang nằm chờ ngắn hạn ở ngân hàng để chờ nhảy vào bất động sản hoặc thị trường chứng khoán.
Giới phân tích nhận định, tháng 2 vừa qua, yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết kéo dài hết tuần đầu), và tâm lý do dự của nhà đầu tư khi chứng khoán thiếu vắng ngành dẫn dắt, là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tác động đến thanh khoản chứng trường và tiền đang nằm chờ chưa giải ngân mạnh. Nhiều động thái cho thấy giao dịch bất động sản tại thành phố lớn và đất ven đô đều tăng nhẹ. “Rất có thể nhiều nhà đầu tư trước Tết đã kịp bán mạnh chứng khoán ra và găm giữ tạm thời gửi tiền ngân hàng, hoặc quyết định chuyển sang đầu cơ bất động sản. Dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng lên”, một chuyên gia nhận định.
Có 5 kênh đầu tư mà hầu hết người Việt Nam hay bỏ tiền vào nhất - theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cùng một số tổ chức nghiên cứu thị trường khác, đó là bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, trái phiếu và vàng. Tất cả đều là kênh đầu tư hợp pháp nhưng nó có những tác động rất khác nhau đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Tiền “đổ” vào bất động sản mà bất động sản không được khai thác, đưa vào sử dụng, thì đồng tiền sẽ bị “chôn” ở đây. Tương tự, mua vàng cất trong két sắt, tiền sẽ bị “đóng băng” chẳng giúp tạo ra của cải cho xã hội. 3 kênh đầu tư còn lại, cơ bản “dẫn” vốn vào sản xuất tốt hơn. Thế nhưng với bối cảnh này, việc mong muốn hay nắn dòng tiền chảy vào đúng định hướng, góp phần ổn định nền kinh tế e cũng phải trông thêm cả vào những diễn biến chủ quan, khách quan từ trong và ngoài nước.
Theo Tienphong.vn
https://tienphong.vn/bat-mach-dong-tien-post1420608.tpo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở