"Bắt vợ" - biến tướng phong tục hay tội ác?
Tục "kéo dâu" đã bị biến tướng và "cướp vợ", "bắt vợ" trở thành nỗi ám ảnh, nỗi đau của không ít bé gái.
Ngày 7/2, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một bé gái ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) giãy dụa, cố thoát khỏi một nam thanh niên đang cố gắng ôm giữ người cô. Sự việc xảy ra giữa ban ngày, trước nhiều người nhưng không ai có ý định can thiệp, mặc cô bé khoảng chừng 12-14 tuổi một mình chống cự. Chỉ khi một chiến sĩ công an xuất hiện và can thiệp thì sự việc mới dừng lại.
Bé gái giãy dụa để thoát khỏi việc bị bắt làm vợ trước sự chứng kiến của nhiều người (Ảnh cắt từ clip).
Nếu vụ việc không được can thiệp kịp thời thì số phận của cô bé ấy sẽ như thế nào?. Cuốn sách gấp lại, sinh con và lầm lũi sống cuộc đời làm mẹ, làm vợ ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới"?.
Tục "kéo dâu" vốn được xem là cách người H'Mông rút ngắn giai đoạn tìm hiểu cũng như giảm bớt khoản tiền thách cưới và các thủ tục cưới xin tốn kém thời gian và tiền bạc. Tất nhiên, dù là "kéo dâu" thì hôn nhân dưới hình thức này cũng được xây dựng trên nền tảng tình yêu và sự thống nhất giữa hai bên nam nữ.
Thế nhưng, từ tục "kéo dâu" đã bị biến tướng thành "cướp vợ", "bắt vợ" và trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của không ít sơn nữ. Liệu có bao nhiêu cô gái may mắn được giải cứu kịp thời như cô bé kia. Rồi những cuộc hôn nhân từ "bắt vợ" có thực sự mang lại hạnh phúc hay chỉ là sự cam chịu, nhẫn nhục của người phụ nữ và kéo theo bao hệ lụy khác?
Bắt vợ hay cướp vợ không chỉ xâm phạm quyền con người, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người phụ nữ cũng như ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của trẻ em gái mà vi phạm quy định của pháp luật. Cũng không loại trừ nguy cơ những biến tướng này sẽ bị lợi dụng khiến tình trạng mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em gái gia tăng.
Theo quy định tại Điều 181, Bộ Luật Hình sự, việc cưỡng ép kết hôn có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Quy định thì là vậy nhưng thực thi không dễ dàng, nhất là khi nó được che đậy, mượn danh phong tục.
Còn nhớ cách đây 5 năm, ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An cũng xảy ra một vụ "bắt vợ" không thành gây xôn xao mạng xã hội. Chính quyền địa phương và cơ quan công an đã vào cuộc, xác định vụ việc có dấu hiệu "Bắt giữ người trái pháp luật" nhưng sau đó những thanh niên kia không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Phần lớn hôn nhân được thiết lập thông qua "bắt vợ", "cướp vợ" thì người trong cuộc (thường là cô gái) chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Bởi vậy, xét về mặt luật pháp, cuộc hôn nhân này không được thừa nhận ở thời điểm đó.
Kể cả khi hai bên đủ tuổi đăng ký kết hôn thì việc xem xét hủy việc kết hôn của tòa án cũng khó thực hiện bởi yêu cầu việc hủy kết hôn trái pháp luật hiếm khi xảy ra, thậm chí là không thể xảy ra khi những quan niệm, luật tục khắt khe đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của nạn nhân.
Ông Vương Duy Bảo - nguyên Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL, một người con của dân tộc H'Mông, khẳng định người H'Mông không có tục "cướp vợ" hay "bắt vợ" và đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ.
Trong xã hội phát triển thì quyền cơ bản của con người phải được bảo vệ, pháp luật cần phải được thượng tôn. Bởi vậy, ngành văn hóa - thông tin, lực lượng công an, chính quyền địa phương cần phải có thái độ ứng xử một cách rõ ràng đối với các vụ việc "cướp vợ", "bắt vợ". Tùy mức độ, hậu quả của từng vụ việc để xử lý hành chính hay hình sự, không để tái diễn hàng năm như thời gian qua.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/bat-vo-bien-tuong-phong-tuc-hay-toi-ac-20220209221316716.htm
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam