Bị lừa hết tiền tiết kiệm dù chiêu thức liên tục được cảnh báo
Dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo về chiêu thức giả mạo cơ quan nhà nước gọi điện đến người dân để lừa đảo, nhiều người nhẹ dạ vẫn mắc lừa.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) vừa phát đi thông báo về việc website “https://2.0840113vn.org” giả mạo Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn) với mục đích lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Kẻ lừa đảo mạo danh lực lượng công an đang điều tra các vụ án tham nhũng, rửa tiền, ma túy… liên hệ với một số cá nhân có liên quan để yêu cầu trình diện cơ quan công an, đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra.
Các đối tượng đề nghị nạn nhân nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam thì phải cung cấp thông tin cá nhân. Từ đó kẻ lừa đảo sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các trang tin, không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống; Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan công an.
Trường hợp phát hiện ra dấu hiệu giả mạo tương tự, đề nghị trình báo tại cơ quan công an gần nhất.
Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cảnh báo về các chiêu lừa tương tự được phát đi, nhưng không ít người vẫn trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo.
Bị lừa hết tiền tiết kiệm
Vào cuối tháng 3, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp nhận tin báo tố giác về việc giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 532 triệu đồng tại TP Mỹ Tho.
Theo đơn trình báo, khoảng 7h30 ngày 19/3, bà N.T.T. (65 tuổi, ngụ TP Mỹ Tho) nhận được điện thoại của một người tự xưng là trung úy Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đang công tác tại Đội CSGT Công an TP Mỹ Tho.
Đầu dây biên kia nói bà T. có liên quan đến vụ lái xe gây tai nạn, bị lập biên bản ở Đà Nẵng và yêu cầu bà T. đến Công an TP Đà Nẵng để giải quyết vụ việc.
Tiếp đó, bà T. được nối máy để gặp 1 người xưng là đại úy Nguyễn Xuân Quang - người đã trực tiếp lập biên bản. Ông này nói, bà T. phải hợp tác với ông ta, bởi thông tin cá nhân của bà đã bị kẻ xấu đánh cắp và thuê xe gây tai nạn rồi bỏ trốn.
Sau đó "đại úy rởm” tiếp tục nối máy cho bà T. nói chuyện với một người khác tự xưng là đại tá Phạm Văn Sáu, đang làm việc ở một Tổng cục của Bộ Công an.
Người xưng đại tá Sáu nói, kẻ xấu mạo danh thông tin của bà T. đã bị bắt và khai nhiều lần chuyển tiền cho bà T., mỗi lần 200 triệu đồng. Nguồn gốc tiền này do mua bán ma túy, rửa tiền...
Người đàn ông ở đầu dây bên kia yêu cầu bà T. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng người này cung cấp để phục vụ việc điều tra.
Sau đó, bà T. đã đến phòng giao dịch Vietcombank ở Tiền Giang chuyển tổng số tiền 532 triệu đồng để rồi mất trắng số tiền trên.
Một vụ việc khác, diễn ra hồi đầu tháng 11/2021, Công an quận Long Biên, Hà Nội phối hợp điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nạn nhân là bà L. (73 tuổi, ở quận Long Biên).
Theo đơn trình báo, khoảng đầu tháng 10, bà L. nhận được điện thoại từ đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo bà đang có đơn kiện vì nợ tiền ngân hàng.
Sau đó đối tượng nối máy cho bà L. gặp một người xưng là công an và yêu cầu bà phải chuyển tiền để kiểm tra xem có nợ ngân hàng không, khi điều tra làm rõ sẽ trả lại tiền cho bà.
Tin lời của các đối tượng, bà L. rút toàn bộ tiền tiết kiệm để chuyển vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Dù được nhân viên ngân hàng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, nhưng bà L. vẫn chuyển 310 triệu đồng cho kẻ lừa đảo để rồi bị mất sạch.
Tương tự, đầu tháng 9/2021, Công an quận Ba Đình, Hà Nội điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng bằng thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan điều tra.
Nạn nhân là ông T. đã đến Công an phường Liễu Giai, quận Ba Đình trình báo vào ngày 26/8/2021. Theo trình báo, ông T. nhận được cuộc gọi điện thoại từ người lạ. Đầu dây bên kia thông báo việc tài khoản ngân hàng của ông có liên quan đến vụ án ma túy và yêu cầu ông chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra.
Sau khi ông T. ra ngân hàng chuyển tiền rồi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì phát hiện tài khoản bị rút mất 1,6 tỷ đồng. Biết mình bị lừa, ông T. đã đến công an trình báo.
Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động giả mạo cơ quan nhà nước, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tích cực tuyên truyền nâng cao cảnh giác và hướng dẫn nhân dân sớm phát hiện, tố giác các hành vi phạm tội này.
Nguồn https://vietnamnet.vn/bi-lua-het-tien-tiet-kiem-du-chieu-thuc-lien-tuc-duoc-canh-bao-2026357.html
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân