Biến chứng thần kinh đáng lo ngại của cúm Av

Thứ năm, ngày 21 tháng 7 năm 2022 | 15:49

TS, BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, viêm não sau cúm với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hiện đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện.

Bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Số ca mắc cúm tăng nhanh trong tháng 6

Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến hết ngày 17/7 cho thấy thành phố ghi nhận tổng cộng 2.605 trường hợp mắc cúm và chưa có bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc cúm mùa ở địa phương đang có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, trong tháng 6, Hà Nội phát hiện tới 887 ca mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Xu hướng tăng lên mạnh được ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế. TS, BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, số bệnh nhân cúm nhập viện và điều trị ngoại trú tăng rất nhanh với trung bình 100-200 trường hợp đến khám mỗi ngày.

Hiện bệnh viện đang điều trị cho 252 trường hợp. So với mọi năm, đây là diễn biến bất thường của cúm A tại khu vực miền bắc.

Các bệnh nhân cúm mùa được ghi nhận tại cơ sở y tế này chủ yếu trong nhóm trẻ dưới 5 tuổi với 44,1%. Xếp sau là nhóm người trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi (39,7%).

Theo các bác sĩ, hầu hết bệnh nhân cúm mùa có triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận 71 trường hợp có chỉ định nhập viện. Nhóm này chủ yếu gồm trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và đa phần khỏi bệnh sau khoảng 3-4 ngày điều trị.

Trong vòng 3 tuần qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ có biểu hiện mắc cúm A đến viện khám xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh.

Theo TS, BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 15-25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh...

Bệnh viện ghi nhận phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi và ở Hà Nội cùng 1 số tỉnh, thành phố lân cận. Các giường bệnh tại Trung tâm luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, có thời điểm phải kê cả giường bệnh ra hành lang để điều trị cho trẻ.

Biến chứng thần kinh đáng lo ngại

Theo TS, BS Đỗ Thiện Hải, năm nay dịch cúm A có nhiều bất thường. Thông thường bệnh thành dịch ở mùa đông-xuân, khi nhiệt độ, khí hậu thuận lợi cho virus cúm A phát triển. Năm nay dịch bùng phát vào mùa hè và những triệu chứng có nhiều điểm khác.

 

"Cách đây 10 năm, bệnh cúm thường chỉ có viêm đường hô hấp trên kèm sốt, không có các biểu hiện về thần kinh. Từ mùa cúm 2019-2020, chúng tôi ghi nhận trẻ mắc cúm có những biểu hiện nặng hơn rõ rệt như các biểu hiện về thần kinh (co giật) xuất hiện ở khoảng 45% trẻ mắc cúm. Và có khoảng 6% số trẻ sau khi nhiễm virus cúm có các biểu hiện viêm não.

Viêm não sau cúm với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hiện đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện.

Cúm A là bệnh cấp tính có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt bắn hay dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh, thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lý mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.

Lưu ý trong điều trị thuốc kháng virus

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm phổi do cúm hoặc liên quan đến cúm là nguyên nhân quan trọng gây bệnh hoặc tử vong trên những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Cúm A sẽ trở nặng sau 3-5 ngày, thời gian dễ tiến triển có biến chứng viêm phổi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, có những đối tượng mới 2 ngày cúm đã phải thở máy. Vì thế, mỗi người bệnh cần quan tâm đến sức khỏe để đến cơ sở y tế khám kịp thời, tránh nguy cơ tiến triển nặng.

Hiện cúm A có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc đáp ứng điều trị của bệnh nhân rất tốt. Điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus cho bệnh nhân cúm A có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp dưới và nằm viện. Liệu pháp kháng khuẩn phù hợp làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi do nhiễm khuẩn thứ phát.

Theo bác sĩ Thiệu, sử dụng thuốc kháng virus trong vòng 1 đến 2 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng làm giảm thời gian sốt, mức độ nặng của các triệu chứng.

Điều trị bằng các loại thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (bao gồm tất cả bệnh nhân nằm viện), những người có các triệu chứng giống cúm.

Mọi người đừng chủ quan nghĩ rằng cúm A có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi thông thường nhưng nhiều trường hợp tự điều trị, đến viện muộn sẽ gặp biến chứng. Do đó, để phòng bệnh quan trọng nhất ngoài tuân thủ các quy định về vệ sinh phòng dịch, người dân cần chú ý cho con em đi tiêm vaccine cúm hàng năm để duy trì hiệu giá kháng thể.