Biến đổi khí hậu sẽ mang nhiều cơn bão hơn đến các thành phố lớn trên thế giới
Một nghiên cứu mới dự đoán rằng sẽ có nhiều cơn bão hơn đến các khu vực trung tâm dân cư lớn như New York, Boston và Thượng Hải do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu được công bố tuần trước trên tạp chí Nature Geoscience của Anh cho thấy các cơn bão và cuồng phong sẽ mở rộng ra khỏi các khu vực nhiệt đới đang phổ biến. Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, các điều kiện tạo ra bão sẽ trở nên phổ biến hơn về phía bắc và phía nam bán cầu.
Một con tàu bị mắc cạn trong cơn bão ở Nhật Bản. Ảnh: AP
Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều nằm ở các khu vực này, có nghĩa là các cơn bão lan rộng hơn sẽ có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Trong một thông cáo báo chí từ Đại học Yale, tác giả chính của bài báo, Joshua Studholme, một nhà vật lý tại Khoa Khoa học Trái đất và Hành tinh, lưu ý rằng các cơn bão trong thế kỷ 21 sẽ xuất hiện ở phạm vi vĩ độ rộng hơn so với 3 triệu năm qua. Ông nói: “Điều này cho thấy một nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu, điều chưa được tính toán đúng mức".
Lý do cho sự thay đổi vĩ độ bão liên quan đến hình thái gió toàn cầu được gọi là hoàn lưu Hadley, một vòng hoàn lưu trong đó không khí di chuyển theo hướng các cực ở độ cao khoảng 6 đến 9 dặm nhưng quay trở lại đường xích đạo khi nó đi xuống mặt đất.
Một tác động của biến đổi khí hậu là làm giảm sự chênh lệch giữa nhiệt độ bề mặt gần hoặc xa đường xích đạo. Tuy nhiên, không khí ở độ cao lớn hơn thực sự ấm lên nhanh hơn ở vùng nhiệt đới. Những thay đổi đó có nghĩa là dòng phản lực, vốn thường ngăn các cơn bão chạy xa hơn, đang di chuyển về phía bắc, cho phép các cơn bão đến được những vĩ độ cao hơn.
Đồng tác giả nghiên cứu Kerry Emanuel, giáo sư khoa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói với Yahoo News: “Sự nóng lên toàn cầu khiến cho hoàn lưu Hadley mở rộng và cùng với đó là các luồng phản lực di chuyển về phía xa hơn của các cực”.
Các khu vực đã bắt đầu chứng kiến một số cơn bão đổ bộ vào đất liền. Năm 2020, cơn bão cận nhiệt đới Alpha đổ bộ vào Bồ Đào Nha, đây là lần đầu tiên một cơn bão cận nhiệt đới tấn công quốc gia Tây Âu này.
Ông Studholme và các đồng nghiệp từ Yale, MIT, Viện Đại dương học Shirshov ở Nga và Đại học Reading ở Anh đã phân tích các mô phỏng toán học về khí hậu ấm hơn trong quá khứ của trái đất và cho thấy rằng các xoáy thuận nhiệt đới có thể hình thành ở vùng cận nhiệt đới.
Điều đó đã không xảy ra trong 3 triệu năm qua nhưng có thể sẽ lặp lại trong tương lai gần nếu nhiệt độ tiếp tục ấm lên. Ngoài thiệt hại do gió và mưa lớn do bão, nguy cơ lũ lụt do triều cường sẽ gia tăng khi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
“Một số thành phố ven biển đông dân nhất trên thế giới như New York, Tokyo, Thượng Hải, v.v. luôn có bão, nhưng rất hiếm. Nếu bắt đầu có nhiều bão hơn và nếu chúng mạnh hơn và nếu chúng đang đẩy mực nước biển dâng cao, thì đó sẽ là rắc rối cho các thành phố này".
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,2 độ C (2,2 độ F) trong 150 năm qua, nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, mức độ trái đất ấm lên trong 80 năm tới có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/bien-doi-khi-hau-se-mang-nhieu-con-bao-hon-den-cac-thanh-pho-lon-tren-the-gioi-post175770.html
- Từ ngày 8/6, nắng nóng ở Trung Bộ giảm dần
- Dự báo thời tiết ngày 7/6: Hà Nội vẫn mưa rào và dông rải rác
- Dự báo thời tiết ngày 4/6/2022: Hà Nội tiếp tục nắng nóng
- Từ ngày 25-27/4, Trung Bộ nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 39 độ C
- Dự báo thời tiết ngày 23/4/2022: Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ tiếp tục tăng cao
- Dự báo thời tiết ngày 16/4/2022: Hà Nội có mưa to kèm dông, lốc, sét
- Dự báo thời tiết ngày 15/4/2022: Đón không khí lạnh, Hà Nội chuyển mưa rét
- Dự báo thời tiết 21/2: Miền Bắc rét 'co người', nhiều nơi mưa sầm sập