Big 4 ngân hàng quốc doanh dự kiến bơm gần 800 nghìn tỷ đồng ra nền kinh tế
Ước tính sơ bộ trong năm nay, 04 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh bơm thêm khoảng 800 nghìn tỷ đồng ra nền kinh tế. Bên cạnh con số tăng trưởng tín dụng tích cực, bức tranh nợ xấu và chất lượng tài sản vẫn còn nhiều nỗi lo, các ngân hàng mong muốn có cơ chế xử lý các vướng mắc để thu hồi tối đa nợ xấu phát sinh.
Bức tranh kinh doanh năm 2024 của 04 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và VietinBank được phác hoạ sơ bộ tại hội nghị toàn ngành ngân hàng mới đây.
Bám đuổi sát nút về tăng trưởng tín dụng
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đối với hoạt động cho vay, huy động vốn, ngân hàng bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Năm 2024, Agribank triển khai nhiều giải pháp hết sức linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng, nhất là khu vực “tam nông”, đồng thời kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu. Agribank cũng chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Nhóm 4 "ông lớn" quốc doanh dự kiến bơm gần 800.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Ảnh TL |
"Hiện nay, lãi suất cho vay của bình quân Agribank giảm gần 2% so đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường. Bên cạnh đó, Agribank dành nguồn lực chủ động triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất theo từng đối tượng khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất thông thường" - ông Vượng nói.
Nhờ vậy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh của Agribank năm 2024 tích cực, năm sau tốt hơn năm trước, dự kiến đến ngày 31/12, tổng tài sản tăng 7,9% so với năm 2023; nguồn vốn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023, tương ứng tăng gần 170 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế Agribank tăng gần 8% so với năm 2023, nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2024 đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2025, nộp trên 58,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tính đến cuối năm 2024, các ngân hàng big 4 tăng trưởng tín dụng dao động từ 11-14,8% so với cuối năm ngoái, nâng tổng dư nợ tín dụng nhóm các ngân hàng quốc doanh lên khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Ước tính sơ bộ các "ông lớn" cho vay thêm gần 800 nghìn tỷ đồng trong năm nay. |
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, Vietcombank cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do NHNN và đại hội đồng cổ đông giao. Cụ thể, dự kiến đến cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 13% đạt quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng (tương ứng tăng trên 160 nghìn tỷ đồng); tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%...
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, dự kiến kết thúc năm 2024 ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của NHNN và đại hội cổ đông giao. Vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Theo đó, quy mô tổng tài sản BIDV sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%, tương ứng tăng gần 250 nghìn tỷ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023. “Tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023 (đến ngày 10/12 tăng 14,8%); nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023” - ông Bình nêu rõ.
Như vậy, theo tính toán, tổng dư nợ cho vay của VietinBank ước đến hết ngày 10/12 đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tương ứng với hơn 220 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Tháo gỡ vướng mắc, thu hồi tối đa nợ xấu
Cũng trong năm vừa qua, các nhà băng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Tại MB, tỷ lệ nợ xấu tập đoàn nhỏ hơn hoặc bằng 1,7%; riêng ngân hàng nhỏ hơn hoặc bằng 1,5%, nợ xấu được trích lập dự phòng đầy đủ. Các chỉ số an toàn tuân thủ đảm bảo theo quy định.
Với Agribank, dự kiến năm 2024 nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,6%, đảm bảo kế hoạch NHNN giao dưới 2%. Trên cơ sở Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 2526/QĐ-NHNN ngày 29/12/2023 của Thống đốc NHNN về phê duyệt mục tiêu, định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Agribank xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý đến 10/12 giảm xuống 3,74% và giảm 2,29% so với cuối năm 2021. Trong năm 2024, tổng nợ xấu xử lý, thu hồi là 41.059 tỷ đồng, thu nợ đã xử lý rủi ro 11.000 tỷ đồng" - Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Giai đoạn 2021 - 2024, Agribank xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu. |
Tính chung giai đoạn 2021 - 2024, Agribank xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2025, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý về dưới mức 3% vào cuối năm 2025 (phấn đấu khoảng 2,6%).
Agribank sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro bằng nhiều biện pháp linh hoạt như xử lý tài sản, khởi kiện, thi hành án, bán nợ theo giá thị trường, phối hợp với VAMC/DATC để xử lý nợ. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Cũng theo ông Phạm Toàn Vượng, mặc dù triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và gần đây là tác động của cơn bão số 3, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp rất nhiều thách thức. Vì vậy, lãnh đạo Agribank đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng về cơ sở pháp lý để xử lý các vướng mắc trong công tác xử lý tài sản để thu hồi tối đa nợ xấu phát sinh./.
Mở cơ chế tăng vốn nhóm ngân hàng quốc doanh Liên quan đến kiến nghị về bổ sung vốn điều lệ, năm 2023-2024, Agribank được cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ song chưa đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngày càng cao, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. "Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025" - Tổng Giám đốc Agribank đề xuất. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Vietcombank cũng kiến nghị cần nhanh chóng củng cố các công cụ an toàn vi mô thông qua hoàn tất áp dụng Basel II nâng cao và đẩy nhanh áp dụng Basel III. Để cải thiện các hệ số an toàn và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, Chính phủ xem xét ban hành cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại hàng năm. Được biết, do vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng nên Vietcombank trở lại ngôi vương về vốn điều lệ toàn hệ thống (83.557 tỷ đồng). Đứng kế tiếp là BIDV với vốn điều lệ lên 68.975,3 tỷ đồng sau khi dự kiến phát hành tối đa gần 1,2 tỷ cổ phiếu phổ thông chi trả cổ tức với tỷ lệ 21% cho cổ đông, thời gian phát hành từ quý IV/2024 đến quý I/2025. MB cũng nâng vốn điều lệ lên mức 53.063 tỷ đồng giữa năm 2024. Xếp cuối bảng là Agribank tăng vốn lên 51.639 tỷ đồng tháng 10 vừa qua./.
|
- Tỷ giá hôm nay (23/12): Đồng USD thế giới xu hướng giảm có thể bị hạn chế, “chợ đen” vẫn nối đà tăng
- Dự báo yếu tố "kìm chân" khiến ngân hàng khó cải thiện NIM năm 2025
- Tỷ giá hôm nay (21/12): Đồng USD thế giới quay đầu giảm, “chợ đen” tăng chênh lệch tại 2 chiều
- Tỷ giá hôm nay (21/12): Đồng USD thế giới quay đầu giảm, “chợ đen” tăng chênh lệch tại 2 chiều
- Tỷ giá hôm nay (20/12): Đồng USD ngân hàng tăng trở lại, “chợ đen” bật tăng mạnh
- Tỷ giá hôm nay (18/12): Đồng USD thế giới tăng, “chợ đen” giảm nhẹ
- Tỷ giá hôm nay (17/12): Đồng USD thế giới và “chợ đen” cùng quay đầu giảm nhẹ
- Tỷ giá hôm nay (16/12): Đồng USD có xu hướng tăng trở lại, “chợ đen” điều chỉnh nhẹ
- So kè tăng trưởng tín dụng tại hai "đầu tàu" kinh tế cuối năm