Bình Phước: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh

Thứ hai, ngày 31 tháng 7 năm 2023 | 7:2

tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số năm 2023. Đây là một trong những giải pháp nâng cao nhận thức toàn xã hội trong chuyển đổi số; tìm giải pháp nâng cao chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sớm được tiếp cận nền tảng số.

Bình Phước tổ chức hội thảo chuyển đổi số năm 2023.
Bình Phước tổ chức hội thảo chuyển đổi số năm 2023.

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số nhanh, toàn diện, Bình Phước ưu tiên triển khai ở những lĩnh vực doanh nghiệp, người dân cần trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện.

Bình Phước: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh ảnh 1

Các đại biểu dự hội thảo.

Sau 2 năm quyết liệt triển khai chuyển đổi số, Bình Phước tiến nhanh, tiến xa trong công cuộc chuyển đổi số: năm 2022, đứng thứ 12 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số; đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Bộ.

Trong các năm 2021-2022, Bình Phước là một trong những địa phương đi đầu trong thí điểm các dịch vụ đô thị, trung tâm điều hành thông minh; xây dựng, triển khai các ứng dụng nền tảng đáp ứng cho việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu các cấp và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Bình Phước đã cung cấp 1.468 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 1.076 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đứng thứ 3 trên 63 tỉnh, thành phố.

Kết quả thanh toán trực tuyến phí và lệ phí, toàn tỉnh đạt gần 16.600 giao dịch thành công, xếp thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố. Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai với trên 102.200 giao dịch thành công, đứng đầu so với 63 tỉnh, thành phố.

Đến nay, hạ tầng số của tỉnh cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra: mạng 4G phủ sóng toàn tỉnh; mạng 5G phủ sóng tại các khu trung tâm, công nghiệp; tiếp tục triển khai, xây dựng các trạm BTS tại các vùng lõm sóng trên địa bàn tỉnh, qua đó bảo việc khai thác dữ liệu nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân.

 

Bình Phước đã tích hợp và chia sẻ liên thông 4 cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; cơ bản đáp ứng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai của ngành tài nguyên và môi trường, dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội, kết nối cổng dịch vụ công…

Trong 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, Bình Phước đã hoàn thành kết nối và chia sẻ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỉnh hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho thành phố Đồng Xoài và 4 huyện; đến cuối năm 2023, dự kiến hoàn thành cho 6 huyện, thị xã còn lại.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết: Trong thời gian tới, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Chuyển đổi số phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển.

Bình Phước: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh ảnh 2

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đơn vị quản lý, cung cấp nền tảng số, giải pháp số tham luận một số nội dung: “Ứng dụng công nghệ mới để xây dựng Trung tâm dữ liệu số và an toàn an ninh phục vụ chuyển đổi số”; “Mô hình ứng dụng tiện ích nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ việc xây dựng hạ tầng đồng bộ”; kinh nghiệm về ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả chất lượng cao và kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới...