Bộ máy chính quyền đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn
Sáng 20/5, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban Đảng của Thành ủy, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội; đại diện các sở ban ngành, quận, phường, thị xã… trên địa bàn Hà Nội.
Bộ máy chính quyền đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn
Ngày 1/7/2021, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, xác định việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị
Việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ từ ngày 1/7/2021 đến nay đã đạt những kết quả nhất định.
Việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, đúng quy định, trình tự theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã kịp thời ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện cũng như văn bản hướng dẫn triển khai những nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực.
Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn được đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân.
Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận, thị xã và phường đều đảm bảo đạt kết quả theo kế hoạch đã đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng tại phường, vai trò trách nhiệm và mối quan hệ của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại phường với UBND phường trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất cao.
Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho chủ tịch chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được đảm bảo, được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội
Với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người; một số phường có quy mô dân số hơn 30.000 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), trong đó có 41 phường có quy mô dân số hơn 30.000 người; một số phường có quy mô rất lớn như Hoàng Liệt (Hoàng Mai) là 82.891 người, Đại Kim (Hoàng Mai) là 54.295 người, Trung Hòa (Cầu Giấy) là 54.770 người thì khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công chức phường.
Tuy nhiên, trong 1 năm qua mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội cũng bộc lộ những hạn chế. Theo đó, tại một số phường, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của chủ tịch UBND phường và tập thể UBND phường còn chưa rõ nét.
Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.
Mặt khác cán bộ công chức phường ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ chính sách không có gì thay đổi, chưa động viên được lực lượng cán bộ, công chức phường tận tâm, tận lực trong công tác.
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát có nơi còn khó khăn
Thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai, thực hiện.
Việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thực sự thuận lợi, chưa đảm bảo tính chủ động…
Một số nội dung thu, chi ngân sách đang giao cho UBND phường thực hiện còn vướng mắc; việc nắm bắt và tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trước, trong tiếp xúc còn chưa kịp thời; công tác tham mưu giải quyết ý kiến, kiến nghị trong quá trình tiếp xúc, đối thoại còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm…
Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường gồm các chức danh Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN… chưa được chuyển thành công chức cấp quận, do đó chưa đồng bộ, thống nhất quản lý biên chế cán bộ, công chức phường theo Nghị quyết số 97/2029/QH14 của Quốc hội.
Cần xem xét bổ sung cán bộ, công chức cho chính quyền cơ sở
Hội nghị cũng nghe rất nhiều những đóng góp, ý kiến của các đại biểu quận, huyện cùng chuyên gia các sở, ban ngành về việc xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Tham gia ý kiến trong hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, quận Long Biên, cho biết, sau gần 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại phường, cái nhìn nhận rõ nhất là nhận được nhiều lời khen của người dân.
Đồng thời việc thực hiện chính quyền đô thị một mặt tăng tính chủ động điều hành, quyết định hanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn, bên cạnh đó còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính.
“Tỷ lệ hài lòng của người dân trong năm qua là kết quả đánh giá chính xác nhất về mô hình thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội" - ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thảo Trần
Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội rất phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Theo ông Vũ Hải Thành - Trưởng Công an phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng khiến hình ảnh của người Công an nhân dân được nâng cao hơn trong đánh giá của người dân.
Tuy nhiên, xét ở công việc của lực lượng công an sở tại hiện đang gồng gánh rất nhiều việc, và để đáp ứng công việc vẫn còn hạn chế do khó khăn về cơ sở vật chất. Đồng thời, bởi lực lượng công an hiện tham gia rất nhiều những hoạt động khác của địa phương, nên thời gian dành cho công tác chuyên môn cũng bị hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Chinh - Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, bày tỏ sự đồng tình với những đánh giá các thuận lợi, ưu điểm của mô hình thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội. Tuy nhiên theo ông Chinh, việc thực hiện chính quyền đô thị cần xem xét và giải quyết một số vấn đề còn hạn chế tùy từng địa phương. Cụ thể như ở phường Hoàng Liệt, ông Nguyễn Xuân Chinh cho rằng, nên xem xét tăng thêm số lượng cán bộ công chức.
“Con số đưa ra của UBND thành phố về dân cư của phường là khoảng gần 83 nghìn dân, tuy nhiên thực tế số dân cư tạm trú, thường trú, vãng lai… của Hoàng Liệt lên đến hơn 10 vạn dân. Khối lượng công việc ở phường Hoàng Liệt là cực nhiều. Trong thời điểm tháng 7, 8/2021, chỉ riêng việc in và phát giấy đi chợ cho người dân UBND phường Hoàng Liệt đã phải dùng đến ô tô để chuyên chở. Hoặc như trung bình 1 năm, tôi phải ký giấy khai sinh đến 1.900 - 2.000 cháu. Hiện con số cán bộ, công chức theo quy định hiện giờ là quá mỏng. Vậy nên việc xem xét tùy từng địa điểm, đặc trưng và thực tế ở từng phường, xã để tăng thêm số cán bộ, công chức là điều cần thiết" – ông Nguyễn Xuân Chinh kiến nghị.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị. Đồng thời mong muốn các cấp chính quyền, các sở ban ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đóng góp những ý kiến để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/bo-may-chinh-quyen-da-gon-nhe-hon-hoat-dong-nhanh-nhay-thong-suot-hon.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam