Bớt chút thị phi, nhân rộng nghĩa tình Hạ Vy
Dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng. Bớt một chuyện thị phi trên mạng xã hội cũng là cách giúp cho cuộc sống bớt nặng nề, mệt mỏi hơn
Những ngày gần đây, mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện 300 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào TP HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19. Từ việc sinh viên mặc áo blouse trắng đi ngoài đường, lên máy bay; việc được bố trí ăn ở tại hàng loạt khách sạn 4-5 sao nổi tiếng của TP HCM đến công tác lấy mẫu xét nghiệm, dùng đồ bảo hộ...
Một bộ phận dân mạng chỉ trích họ quảng bá hình ảnh ầm ĩ, lãng phí. Cũng có ý kiến cho rằng đây là hành động đẹp, một việc làm đáng tự hào nên cần phổ biến để cổ vũ, khích lệ.
Ném đá tập thể, có gì hay?
Trước hết, phải khẳng định tinh thần tình nguyện vào TP HCM chống dịch của các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương rất đáng hoan nghênh. Bởi họ đã dám chấp nhận đối mặt với vất vả, hiểm nguy cùng đồng nghiệp TP HCM nhanh chóng dập dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chưa kể, trong số này, nhiều sinh viên vừa hoàn thành nhiệm vụ và trở về từ điểm nóng Bắc Giang.
Đành rằng có thể có những điều chưa như ý trong công tác tổ chức hay một số ứng xử chưa đúng với tinh thần tình nguyện nên từ ý tốt trở thành điều gây tranh cãi. Nhưng đó chỉ nên là một bài học văn hóa ứng xử và tổ chức, cần sự chân thành, thấu hiểu để góp ý - nếu có; không thể là lý do để đả kích, chỉ trích, đánh đồng toàn bộ một tập thể hăng hái từ xa lên đường vào thành phố chống dịch.
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương làm thủ tục tại sân bay Nội Bài để bay vào TP HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TTXVN
Có một thực tế là dù chúng ta cùng sống trong một môi trường xã hội như nhau, cùng đối mặt với những thách thức nặng nề từ dịch bệnh nhưng "cộng đồng" của từng người trong thế giới mạng xã hội là rất khác nhau. Mục tiêu, cách sử dụng và kết nối khác nhau dẫn đến những hành động, tư duy khác nhau.
Nếu kết bạn, theo dõi, tương tác thường xuyên với những người có thái độ quá khích, hành xử tiêu cực, chỉ nhìn thấy mặt tối của vấn đề..., khó tránh khỏi việc sẽ chỉ luôn nhìn vào những điều khiến bản thân bất bình, phẫn nộ. Tâm lý đám đông ít nhiều đều chi phối người dùng mạng xã hội. Thế nhưng, hành vi "ném đá tập thể" có thể giải tỏa cơn bức xúc nhất thời chứ không thể đem đến một giải pháp lâu dài, căn cơ cho những vấn đề (nếu có thật) của xã hội.
Hãy chọn cách yêu thương và chia sẻ
Lên tiếng phản biện xã hội thì không có gì xấu, nếu không muốn nói là cần thiết nhưng "thừa nước đục thả câu" để tạo nên xung đột thì thật sự đáng trách.
Trong cuộc chiến với Covid-19, tất cả chúng ta là chiến binh cùng một chiến tuyến để bảo vệ, chăm lo, cổ vũ, khích lệ và động viên nhau. Chỉ có tinh thần đoàn kết một lòng mới là nền tảng làm nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Vậy nên, khi thành phố đang căng mình chống dịch thì sự quan tâm, sẻ chia, chung sức nào cũng đáng quý và trân trọng. Những lời cay nghiệt buông ra chỉ làm mất đoàn kết, gây nên những năng lượng tiêu cực, thậm chí đẩy xung đột lên cao.
Hãy dành sự trân trọng cần thiết cho những trái tim thiện nguyện, cho những ai dám xung phong đi nơi tuyến đầu, cho những ai ngày đêm phải nhốt mình trong lớp đồ bảo hộ kín mít nóng bức, vì sức khỏe và sự bình an chung của cộng đồng. Chỉ có chọn cách yêu thương và chia sẻ mới giúp thành phố nói riêng và cả nước nói chung đi qua đại dịch.
Truyền đi những thông điệp lành
"Lời nói không là dao/ Mà cắt lòng đau nhói". Trong cuộc sống lời nói không khéo cũng có thể gây "sát thương". Với tính chất của mạng xã hội, chỉ cần một bài đăng phiến diện, vài lời bình luận phán xét tiêu cực, một cú click chia sẻ... đã có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh, vị thế của cá nhân, tổ chức. Càng nguy hiểm hơn khi vì thế mà xung đột, mâu thuẫn bị đẩy lên cao.
Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" chống dịch, ai cũng mệt mỏi, căng thẳng vì đối diện với quá nhiều nỗi lo lắng, phiền não thì ngoài chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm an toàn sức khỏe, điều cần nhất chính là kiến tạo những năng lượng tích cực qua các hình ảnh chứa đựng niềm tin, sự tử tế để giúp tinh thần vững chãi, tâm bình an. Khi bên trong tâm an lành, tích cực thì hành xử, lời nói cũng theo đó tích cực lên; sức khỏe cũng nâng cao hơn để chống lại dịch bệnh.
Ngược lại, nếu cứ để năng lượng tiêu cực đẩy vào vòng xoáy thị phi, hiểu lầm, mất đoàn kết và làm tổn thương nhau thì cấp độ của những nỗi khổ sẽ càng tăng lên.
Hãy truyền và lan tỏa những thông điệp lành, chẳng hạn sự dấn thân không mệt mỏi của bao người ở tuyến đầu; sự chia sẻ ấm tình và chân thành trong những ngày giãn cách... để nuôi dưỡng tinh thần chúng ta và cộng đồng, thay vì lao vào "ẩu đả" nhau bằng những ngôn ngữ nặng nề...
Mở lòng cảm thông, yêu thương và chia sẻ, đời sống sẽ an vui trọn vẹn.
Lưu Đình Long
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay