Bớt chút thị phi, nhân rộng nghĩa tình: Nên sẻ chia thông tin bổ ích, nhân văn

Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024 | 13:46

Xây dựng được một môi trường mạng xã hội văn minh, lành mạnh, hòa ái... sẽ tiếp thêm cho mỗi chúng ta nguồn năng lượng tích cực để sống ý nghĩa và giàu yêu thương; thêm động lực và quyết tâm thắng dịch bệnh

Ông Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN:

Nâng cao ý thức người dùng mạng xã hội

Những người hoạt động trong lĩnh vực xã hội như chúng tôi thường có tâm niệm phải luôn biết đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác, cũng như tìm hiểu mọi vấn đề ở góc nhìn đa chiều, trong một bối cảnh rộng lớn. Dù các tình huống phát sinh thế nào, trước hết không nên có sự đánh giá vội vàng, phiến diện.

Phản biện xã hội là cách để cộng đồng ngày càng lớn mạnh, phát triển. Song vẫn nên cố gắng hài hòa cả cảm xúc và lý trí trong sự suy xét, phân tích các khía cạnh của câu chuyện. Góp ý sẽ dễ dàng được tiếp thu khi dùng trái tim chân thành và thái độ bao dung thay cho chỉ trích nặng lời.

Gốc rễ quan trọng chính là sự giáo dục, định hướng đúng đắn trong việc dùng mạng xã hội. Cần chú ý xây dựng và tôn trọng không gian phản biện, bồi dưỡng thói quen để mọi người tự tin góp tiếng nói một cách văn minh, thuyết phục, hướng đến cộng đồng.

Nâng cao ý thức của người sử dụng và định hướng giáo dục phù hợp cho giới trẻ là gốc rễ góp phần tạo nên thói quen dùng mạng xã hội lành mạnh, xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, giàu tính nhân văn.

 

Bớt chút thị phi, nhân rộng nghĩa tình: Nên sẻ chia thông tin bổ ích, nhân văn - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Thầy Nguyễn Phát Tài, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM:

Vì lợi ích cộng đồng khi lan tỏa thông tin

Phản ứng trên mạng xã hội là phản ứng có tính dây chuyền vì nó là xã hội ảo, đôi khi không biết người nhận được tin trên mạng xã hội là ai, ở đâu, trình độ ra sao…? Họ đọc được, xem được tin thì phản ứng thế nào. Điều này tương tự những chuyện truyền miệng ngày xưa vậy, qua vài lần chia sẻ thì dễ thành "tam sao thất bản". Không phải người đọc, người xem tin nào cũng luôn kiểm chứng và tìm hiểu vấn đề một cách toàn diện. Quan trọng là mỗi cá nhân, đơn vị có trách nhiệm trong việc lan tỏa thông tin, lưu tâm đến lợi ích cộng đồng, giá trị chung của xã hội.

Đại dịch lần này có lẽ là một thách thức "vô tiền khoáng hậu" mà chúng ta từng phải đối mặt. Tuy nhiên, đây cũng là dịp chúng ta thể hiện sự biết ơn, lòng trắc ẩn, sự thấu cảm và chung tay giúp đỡ người khác. Với tính năng kết nối nhanh chóng, lượng người sử dụng đông đảo, mạng xã hội hoàn toàn có thể trở thành nhịp cầu để mọi người gắn kết, giúp những tâm tư, tình cảm đến gần nhau hơn. Vì vậy, hãy để mạng xã hội là nơi chúng ta lan tỏa những thông điệp yêu thương, kịp thời cổ vũ, tôn vinh những tấm gương tốt, thanh lọc tâm hồn sau những giờ phút căng thẳng.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và Hướng nghiệp 4.0 JobWay:

Phải biết phân biệt trắng - đen

Khi lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó trên trang cá nhân, chứng tỏ chúng ta không thờ ơ mà vẫn còn quan tâm, lo lắng. Trao yêu thương sẽ nhận yêu thương là nguyên tắc bất biến trong giao tiếp và ứng xử mà người thông minh sẽ vận dụng hằng ngày.

Một điều dễ nhận thấy nữa trên cộng đồng mạng là cơ chế tâm lý hùa theo của không ít cá nhân bị sức mạnh của đám đông lôi kéo và chi phối. Để không bị "dắt mũi", cần phải tìm hiểu thật kỹ nguồn thông tin và các dữ kiện cho thật chính xác, khách quan và công bằng. Việc góp ý để giúp cho xã hội tốt hơn, không phải chỉ để khẳng định cái tôi, sẽ luôn được hoan nghênh.

Ấn like có chọn lọc; bình luận có duyên, có văn hóa; đăng ảnh tạo được cảm xúc với người xem, chuyển tải những thông điệp hay trong cuộc sống; lan tỏa những câu chuyện đẹp... là rất cần thiết. Bởi một khi những câu chuyện đẹp chạm đến trái tim người xem, nhất là giới trẻ, dần dần sẽ hình thành trong cộng đồng xu hướng muốn tìm kiếm những câu chuyện, hình ảnh đẹp. Xem, cảm rồi hành động đẹp là một quá trình, chỉ cần kiên nhẫn lan tỏa, câu chuyện đẹp sẽ giúp giới trẻ sống tích cực hơn.

Trang cá nhân trên mạng xã hội thể hiện sinh động tâm lý, cá tính và “bộ mặt” của người dùng. Việc thể hiện “bộ mặt” đó ra sao là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.