Bụi sân bay Long Thành
Trong một lần về nước, vừa bước ra khỏi sân bay, tôi đã được Hà Nội chào đón bằng một biển bụi.
Trước hết là bụi mịt mù từ công trường cải tạo sân bay Nội Bài, sau đó là ngập trời bụi từ khói xe, xe ben chở vật liệu, các tòa nhà đang thi công bên đường. Người dân có gì dùng nấy, khẩu trang, vạt áo hoặc lấy tay che mũi miệng, nhưng chỉ hạn chế được phần nào, không thể ngăn chặn hết sự ảnh hưởng của khói bụi tới sức khỏe.
Người dân quanh sân bay Long Thành gần đây cũng đang đối mặt với bụi, nhưng nghiêm trọng hơn nhiều. Khởi công từ đầu năm 2021, dự án sân bay Long Thành đang được san lấp mặt bằng, đắp đất nền để xây nhà ga hành khách. Mấy tháng nay, người dân nhiều xã ở huyện Long Thành, Đồng Nai sống trong không gian đặc quánh bụi. Kết quả quan trắc môi trường không khí định kỳ (từ tháng 4 đến tháng 10/2022) cho thấy ô nhiễm bụi tại đây vượt quy chuẩn gần 20 lần. Vài tháng nay, tình trạng còn tệ hơn nhiều.
Thông thường khi nói về bụi, mọi người vẫn nói về chỉ số chất lượng không khí (AQI - Air Quality Index) mà Việt Nam thường hay vượt ngưỡng nguy hại. AQI được đo trên năm chỉ số phụ, mà hai chỉ số thường được quan tâm là bụi rắn PM2.5 (nhỏ hơn 2,5 micromet) và PM10 (nhỏ hơn 10 micromet). PM2.5 có thể vào sâu trong phổi và hấp thụ trực tiếp vào máu. Đây là loại bụi chứa các thành phần hóa học độc hại và thường tìm thấy trong khí thải. Còn PM10 không dễ bị ngăn cản ở mũi và có thể tồn đọng lâu trong phổi, gây ra các bệnh về hô hấp. Một nghiên cứu của chính phủ New Zealand năm 2018 chỉ ra rằng các hạt PM10 có liên quan tới 900 ca tử vong dưới tuổi thọ trung bình ở New Zealand mỗi năm. Các hạt bụi này thường liên quan tới công trường xây dựng.
Bụi xây dựng cũng đóng góp một lượng đáng kể cho chỉ số PM2.5, đặc biệt là trong công trường thi công trên nền đất mịn. Theo phân loại quốc tế, hạt sét là các hạt có kích thước nhỏ hơn 2 micromet. Các hạt này chiếm một phần nhỏ trong đất phù sa, nông nghiệp. Đặc điểm dễ thấy khi đất có lượng lớn hạt sét là đất có tính kết dính, khi đủ độ ẩm có thể dùng tay se thành que ngắn đường kính 3 mm. Khi hoàn toàn khô, các hạt này có thể tách rời và bay lên không trung. Các hạt bụi càng nhỏ thì càng ở trong không trung lâu và được gió thổi đi xa hơn. Chúng có thể bay hàng tuần và đi hàng trăm km theo nghiên cứu của Bộ Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Đối với Long Thành, vấn đề còn cực kỳ nghiêm trọng khi bụi không chỉ vẩn trong không khí mà còn phủ kín cả mái nhà.
Chống ô nhiễm bụi là một trong những ưu tiên hàng đầu ở các quốc gia để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Phương pháp đầu tiên là dừng hoặc di chuyển nguồn ô nhiễm. Phương án này không khả thi với nhiều thành phố ở Việt Nam do nhu cầu xây dựng nội đô và sân bay là thiết yếu. Thứ đến là hạn chế bằng việc sử dụng công nghệ ít ô nhiễm, che chắn và phun sương. Đây là các biện pháp hiệu quả đã được kiểm chứng trong quá trình xây dựng đô thị ở các nước tiên tiến hàng chục năm qua.
Vấn đề chống bụi với các đại công trình xây dựng sẽ phức tạp hơn nhưng vẫn có thể áp dụng. Do việc phun nước có thể làm sình lầy và tăng bám bụi lên phương tiện, phun sương hoặc rải chất chống bụi là các biện pháp thường được sử dụng. Pháo phun sương có thể phun cao từ 20 tới 60 m ở cuối gió mà không ảnh hưởng tới thi công, tạo hàng rào chống lan tỏa bụi. Hệ thống phun sương điểm giảm trực tiếp lượng bụi tại vị trí thi công. Còn chất chống bụi có ưu điểm là không phải phun thường xuyên như nước và giảm tới 95% lượng bụi.
Sau khi có các giải pháp chống bụi hiệu quả, yêu cầu cuối cùng mới là trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân cho lao động trên công trường và người dân bị ảnh hưởng.
Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là một dự án trọng điểm, khổng lồ, dự kiến tới năm 2026 mới hoàn thành. Sớm nhất đến cuối năm nay, giai đoạn san lấp mặt bằng mới kết thúc. Người dân cả một khu vực rộng lớn xung quanh sẽ còn phải hít bụi suốt nhiều tháng trời, sự tổn hại đến sức khỏe là không thể coi nhẹ.
Thay vì có trước các báo cáo tác động môi trường và biện pháp khắc phục bụi hiệu quả, Trưởng ban quản lý Dự án chỉ nêu ra một số hành động như "tăng cường tưới nước", "tạm dừng thi công vào ban đêm, giảm tần suất xe chạy ban ngày ở công trường".
Giải pháp tưới nước được chính người quản lý dự án thừa nhận "không hiệu quả". Thực nghiệm khoa học cũng xác nhận tính hiệu quả khiêm tốn của giải pháp này so với các phương pháp kiểm soát bụi khác. Còn việc "dừng thi công ban đêm, giảm tần suất xe chạy ban ngày" gây lo ngại làm tiến độ công trình chậm lại, thời gian chịu đựng của người dân sẽ còn dài thêm ra.
Việc của nhà quản lý, thi công dự án sân bay Long Thành là tham khảo và áp dụng càng sớm càng tốt các giải pháp chống bụi tiên tiến mà thế giới đã có, thay vì "mong người dân thông cảm và đồng hành" cùng dự án.
Một số ý kiến lạc quan nhận định vấn đề nhỏ như hạt bụi có thể giải quyết đơn giản bằng một trận mưa. Bụi không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nếu không kiểm soát, chúng sẽ vẫn lơ lửng và tích tụ ngày càng nhiều hơn trong không khí. Khi mưa xuống, các hạt bụi sẽ trở lại bề mặt công trường, mặt đường, mái nhà dân... Nhưng rồi đợi nắng đến, chúng sẽ lại bay lên.
Lúc đó, vấn đề không nhỏ bằng hạt bụi.
Nguồn: https://vnexpress.net/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo