CEO Trần Thị Hồng Thắm, nhà sáng lập muối NanoSalt: Đưa tinh hoa của biển ra thế giới
Nhìn bề ngoài, sản phẩm muối NanoSalt vẫn là những hạt muối bình thường, nhưng thực chất đã được giảm mặn tới 50% và bổ sung thêm 60 vi khoáng.
CEO Trần Thị Hồng Thắm, nhà sáng lập muối NanoSalt. |
Phát huy giá trị từ “tinh hoa của biển”
Sở hữu bờ biển dài 34 km, Quỳnh Lưu là vựa muối của tỉnh Nghệ An với 12 hợp tác xã và khoảng 10.000 diêm dân sống bằng nghề làm muối. Như bất cứ câu chuyện nông sản nào, công việc của họ phụ thuộc vào thời tiết, khiến giá muối không tránh khỏi vòng quay “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Điều này thôi thúc hai người con xứ Nghệ là chị Trần Thị Hồng Thắm và chồng mình, anh Hồ Xuân Vinh, nung nấu ý định phải làm điều gì đó để nâng cao giá trị hạt muối quê hương, để cuộc sống diêm dân bớt đi vị mặn chát khi mùa muối mất giá.
Trong quá trình nghiên cứu về muối và công nghệ sản xuất muối, họ đã gặp hàng trăm bà con diêm dân, từ đó phát hiện một thực tế: sau khi thu hoạch muối xong, phần chất lỏng rỉ ra màu nâu vẫn nằm lại trên cánh đồng muối. Phần phụ phẩm bỏ đi này được họ gọi là “mật muối” - tinh hoa của biển. Nếu muối ăn thông thường thành phần chủ yếu là Natri, thì trong mật muối là các khoáng chất như Natri, Kali, Magie và khoảng 60 vi khoáng khác.
Vốn xuất thân là dân kỹ thuật, từng sở hữu hàng loạt sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Hồ Xuân Vinh đã mày mò, nghĩ cách phát huy hết giá trị của mật muối. Sau khoảng 5 năm nghiên cứu, anh chế tạo thành công các loại máy móc đặc biệt, phục vụ công nghệ phân tách đa tầng, tách riêng từng loại vi khoáng trong mật muối. Công nghệ này nhận tới 3 bằng sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trở thành nền tảng quan trọng để sản phẩm muối NanoSalt khác biệt so với phần còn lại của thị trường.
“Chúng tôi là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được dòng muối giảm mặn, có hàm lượng Natri thấp và dòng muối dược liệu chuyên sâu, tốt cho sức khỏe người dùng”, chị Trần Thị Hồng Thắm, CEO Công ty TNHH ABACA Việt Nam, đơn vị sở hữu thương hiệu NanoSalt, tự tin khẳng định.
Với công nghệ sản xuất đặc biệt do ABACA Việt Nam độc quyền sáng chế, mật muối sau khi thu mua từ diêm dân sẽ được phân tách thành từng nhóm vi khoáng khác nhau, sau đó được điều phối tỷ lệ khoáng chất Magie, Kali và Natri trong muối để tạo ra các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe người dùng. Đó là các sản phẩm giảm mặn đa khoáng, khi lượng NaCl giảm xuống chỉ còn 50%, đồng thời được bổ sung các khoáng chất có lợi phân tách từ 100% khoáng biển tự nhiên.
Chị Thắm tiết lộ, công nghệ chế biến muối dinh dưỡng giảm mặn tận thu 80-90% đầu vào là mật muối, phần muối thô chỉ chiếm khoảng 10%, đồng nghĩa với việc từng giọt nước biển trên ruộng muối đều được sử dụng hiệu quả.
Từ tháng 3/2022 đến nay, khi dự án NanoSalt của chị Thắm và anh Vinh xuất hiện, thu nhập của nhiều hộ diêm dân trong vùng tăng tới 50%. Phần mật muối trước kia họ chỉ đổ bỏ đã được thu mua lại với giá bằng một nửa giá muối thô.
Đưa sản phẩm quê hương vươn ra thế giới
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, người Việt Nam ăn mặn gần gấp đôi lượng muối cần thiết và là một trong những nước ăn mặn nhất trên thế giới. Trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 g muối mỗi ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là 5 g muối một ngày. Điều này có thể dẫn tới các mối nguy về sức khỏe như tăng huyết áp và tử vong do bệnh tim mạch.
Trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã có đề án phát triển ngành muối, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối. “Như vậy, giải pháp của chúng tôi đã phát triển công nghệ muối giảm mặn để phục vụ người dân, bắt nhịp tiêu chí chính sách của Chính phủ, đồng thời tạo giá trị cho cộng đồng diêm dân Quỳnh Lưu”, nhà sáng lập khẳng định.
Hiện tại, dự án đã sở hữu nhà máy sản xuất muối riêng với diện tích 800 m2, nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Mỗi tháng, cung ứng ra thị trường 15-20 tấn muối NanoSalt. Sản phẩm muối giảm mặn NanoSalt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An. Hiện tại, sản phẩm đã có mặt tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước với 28 đại lý và cửa hàng phân phối.
Dự án cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2023, Công ty ABACA Việt Nam đặt mục tiêu đồng bộ hóa quy trình sản xuất, nâng cấp quy chuẩn đang áp dụng từ ISO 9000:2008 lên ISO 22000 để đưa sản phẩm tới các thị trường xuất khẩu. Nhà sáng lập đánh giá, nhu cầu sử dụng thực phẩm chăm sóc sức khỏe an toàn và sạch đang là xu hướng tiêu dùng chung trên toàn thế giới, vì vậy chị muốn đưa các dòng muối giảm mặn và muối dược liệu của Việt Nam đến nhiều quốc gia hơn, giúp bà con diêm dân tăng thu nhập và giữ gìn làng nghề muối truyền thống phát triển bền vững.
“Chúng tôi hy vọng năm 2023 có thể tiếp cận thị trường Nhật Bản đầu tiên. Chỉ cần xuất khẩu được vào Nhật Bản thì sau này đi vào các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn”, CEO Trần Thị Hồng Thắm cho hay.
Nguồn: https://baodautu.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất